'Biến chủng Covid-19 tiếp theo sẽ chết chóc hơn’
GS. Mark Woolhouse, nhà dịch tễ học của Đại học Edinburgh (Anh) cảnh báo “sẽ rất nguy hiểm nếu mọi người đồng ý cho rằng các biến chủng tương lai của Covid-19 ít nghiêm trọng hơn”.
Thời điểm hiện tại các quốc gia trên thế giới đang chạy đua nới lỏng hạn chế phòng dịch và mở cửa trở lại, các nhà khoa học Anh cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến chủng Covid-19 mới với tỷ lệ mắc và tử vong nghiêm trọng hơn nhiều so với Omicron.
"Biến chủng Omicron không bắt nguồn từ biến chủng Delta. Nó bắt nguồn từ một nhóm hoàn toàn khác của virus. Vì chúng ta không biết biến chủng mới sẽ bắt nguồn từ đâu, nên chúng ta không thể biết nó có thể gây bệnh như thế nào".
Quan điểm này cũng được ủng hộ bởi nhà dịch tễ học Lawrence Young của Đại học Warwick. Chia sẻ với tờ Observer, ông cho biết: "Mọi người dường như nghĩ rằng đã có một quá trình tiến hóa tuyến tính của virus, biến đổi từ Alpha thành Beta đến Delta và đến Omicron. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Quan niệm các biến chủng sẽ ngày càng ít nghiêm trọng là hoàn toàn sai. Một biến chủng mới thậm chí có thể gây nguy hiểm hơn hơn Delta".
Đặc phái viên về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) David Nabarro, cũng nhấn mạnh về sự biến đổi khó lường của biến chủng trong tương lai. "Sau Omicron, sẽ có thêm các biến chủng khác. Nếu chúng dễ lây lan hơn, chúng sẽ chiếm ưu thế và trở thành chủng trội. Ngoài ra, chúng có thể gây ra các triệu chứng khác, hay nói cách khác là chúng có thể gây tử vong cao hơn hơn hoặc để lại hậu quả lâu dài hơn".
Ông Nabarro cũng kêu gọi giới chức các nước tiếp tục lập kế hoạch cho nguy cơ xảy ra các làn sóng lây nhiễm khác khiến số người mắc bệnh và nhập viện tăng đột biến. "Chúng ta cần khuyến khích mọi người tiếp tục bảo vệ sức khỏe bản thân và người khác một cách nhất quán. Nếu không làm điều này, đây sẽ là một “canh bạc sinh tử” và chúng ta có thể đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Đại dịch chưa thể kết thúc. Chặng đường phía trước còn dài", ông Nabarro nói.
Hiện trên thế giới đang chạy đua nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch, do cho rằng biến chủng Omicron ít nghiêm trọng hơn nên tỷ lệ nhập viện và tử vong giảm xuống. Trong tuần qua, hàng loạt quốc gia châu Âu, trong đó có Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch cuối cùng và coi “đại dịch Covid-19 không còn là mối đe dọa lớn đối với xã hội”.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 11/2 nhận định rằng, đại dịch Covid-19 có thể đang bước sang giai đoạn cấp tính, trở thành bệnh đặc hữu vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để có được sự lạc quan đó, với điều kiện các nước phải hoàn thành mục tiêu tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 cho ít nhất 70% dân số.
Theo WHO cũng cho rằng, còn quá sớm để dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch và nhấn mạnh chưa nơi nào trên thế giới thực sự thoát khỏi đại dịch. Soumya Swaminathan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu khoa học của WHO, hôm 12/2 cảnh báo thế giới sẽ chưa thoát đại dịch vì có thể còn xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Chuyên gia WHO nói: "Chúng ta đã chứng kiến quá trình virus sinh sôi, biến đổi và đột biến. Do vậy chúng ta biết rằng sẽ có thêm các biến chủng khác, trong số đó có thể có các biến chủng đáng lo ngại. Chúng ta vẫn chưa thoát đại dịch".
Theo worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 12/2 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 408.652.458 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.819.507 ca tử vong. Số ca hồi phục là hơn 328.565.484 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới có hơn 2,3 triệu ca mắc mới, trong đó Đức ghi nhận con số cao nhất 229.989 ca, tiếp sau là Nga 203.949 ca, Brazil 166.003 ca, Mỹ 138.790 ca, Pháp 131.376 ca, Nhật Bản 100.097 ca...
Châu Âu tiếp tục là điểm nóng của dịch Covid-19 trên thế giới khi chiếm tới hơn 50% tổng số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày trên toàn cầu. Tuy nhiên, so với 1 tuần trước, số ca nhiễm mới tại tất cả các khu vực trên thế giới đều giảm, trong đó Bắc Mỹ giảm tới 40%, châu Phi giảm 30%, Nam Mỹ giảm 24%, châu Đại dương giảm 13% và châu Á giảm 8%.
Bùi Hằng (T/h)