Chủ nhật, 24/11/2024 04:48 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/06/2023 07:00 (GMT+7)

Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối]

Theo dõi KTMT trên

Để giảm thiểu ô nhiễm khí thải phương tiện, trong những năm qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích thực hiện các chương trình, dự án cải thiện hiệu quả việc sử dụng nhiên liệu phương tiện giao thông.

Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối] - Ảnh 1

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xác định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà chủ yếu là xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy là một trong những nguồn chính phát thải khí gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm không khí đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong những năm qua, Bộ đã xây dựng các chính sách, thực hiện việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đồng bộ từ khâu sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới, đến kiểm soát khí thải phương tiện đang lưu hành, góp phần đáng kể trong việc cải thiện chất lượng không khí.

Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối] - Ảnh 2

Kể từ năm 2006, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu ở nước ta đối với xe ô tô đã được thực hiện theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tiêu chuẩn khí thải được áp dụng theo mức Euro 2 là một trong các mức của bộ Tiêu chuẩn khí thải châu Âu do Liên minh châu Âu quy định và được quy định trong các Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.

Thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Bộ GTVT đã tổ chức đánh giá kết quả và xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

Theo đó, các mức tiêu chuẩn khí thải áp dụng cho xe ô tô tham gia giao thông được nâng lên so với mức quy định tại Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg và áp dụng từ 1/1/2020.

Triển khai Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô tham gia giao thông; nâng cao năng lực trình độ, trang thiết bị của các đơn vị đăng kiểm; cập nhật các mức tiêu chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng vào quy trình kiểm tra; tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp nhập khẩu, chủ xe ô tô, người lái xe ô tô về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải; tổ chức, huy động nguồn lực để nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ xử lý khí thải nhằm xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nâng cao hiệu quả quản lý phát thải gây ô nhiễm từ xe cơ giới tham gia giao thông. Việc chuẩn bị triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông đã sẵn sàng để thực hiện theo đúng quy định.

Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối] - Ảnh 3
Để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, những năm qua, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều chính sách, quy định. 

Đối với xe mô tô, xe gắn máy, từ năm 2016, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy định về việc kiểm soát khí thải đối với xe mô tô tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông cần gắn với quy định về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; nội dung này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Vì vậy, ngày 19/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 566/VPCP-CN chỉ đạo Bộ GTVT “Tiếp tục nghiên cứu quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và quy định về kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ GTVT xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Bộ rà soát bổ sung quy định về kiểm soát khí thải xe cơ giới trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ làm cơ sở để triển khai thực hiện. Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành việc đánh giá tác động chính sách và đưa vào dự thảo đề cương sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Để góp phần cải thiện chất lượng không khí trước diễn biến phức tạp về ô nhiễm không khí tại các thành phố, ngày 7/10/2019, Bộ GTVT đã có Công văn số 9480/BGTVT-MT gửi Thanh tra Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung xây dựng, hoàn thiện quy định về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông; đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm định xe cơ giới...

Năm 2022, Bộ GTVT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 trong giao thông vận tải với những mục tiêu, lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực đường bộ với việc phát triển phương tiện giao thông đường bộ điện được xác định là trọng tâm. Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình này. Đây sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối] - Ảnh 4

Bên cạnh những quy định khắt khe về quản lý khí thải thì trong những năm qua, Bộ GTVT cũng đã thực hiện nhiều dự án về cải thiện hiệu quả việc sử dụng nhiên liệu phương tiện giao thông. Trong đó, phải kể đến Dự án hệ thống quản lý điều khiển phương tiện sinh thái (EMS) được triển khai tại Hà Nội năm 2017, với các hoạt động bao gồm: Nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện và ý thức điều khiển phương tiện sinh thái cho các lái xe taxi.

Theo dự án, các lái xe taxi sẽ được hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng, cách thức điều khiển phương tiện sinh thái được thực hiện trong 4 giai đoạn: Khởi động, tăng tốc, giảm tốc, dừng xe với các phương pháp: Nhấn chân ga đúng cách, điều chỉnh tốc độ hợp lý, giảm tốc không lãng phí và chạy không tải…

Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối] - Ảnh 5
Dự án hệ thống quản lý điều khiển phương tiện sinh thái (EMS) được triển khai tại Hà Nội năm 2017. (Ảnh: Internet)

Đồng thời, một hệ thống quản lý điều khiển phương tiện EMS được lắp đặt trên các xe taxi để theo dõi, giám sát và đánh giá tính khả thi cũng như hiệu quả giảm khí thải một cách chính xác. Thiết bị EMS sẽ giúp lái xe thực hiện lái xe sinh thái bằng cách cung cấp thông tin về các tình huống lái xe và cảnh báo các tình huống tăng tốc hoặc phanh gấp. Thiết bị sẽ cung cấp các số liệu chi tiết về mức tiêu thụ năng lượng tức thì, mức tiêu thụ năng lượng bình quân, tăng tốc, vị trí GPS, các điểm phân tích lái xe sinh thái. Mô hình lái xe sinh thái đã được thực hiện thành công ở Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.

Theo kết quả tính toán, trong trường hợp có 1.000 xe taxi tham gia điều khiển phương tiện EMS sẽ giúp tăng 10% hiệu quả sử dụng nhiên liệu, nhờ đó, sẽ giảm khoảng 1.000 tấn CO2/năm.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng triển khai Dự án nghiên cứu việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu từ diesel sang khí nén thiên nhiên (CNG) đối với phương tiện cơ giới đường bộ, trước tiên là xe buýt trên cả nước. Dự án đã được triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, với 50 xe buýt mã số 01 sử dụng nhiên liệu CNG, có lộ trình hoạt động dài gần 9 km, tuyến Bến Thành - Chợ Lớn.

Theo nhận xét của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, hoạt động thử nghiệm xe buýt chạy bằng CNG cho thấy, động cơ vận hành êm, các khí thải độc hại giảm từ 53 - 63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để, đặc biệt là tiết kiệm 30 - 40% nhiên liệu.

Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối] - Ảnh 6

Để góp phần hoàn thiện mục tiêu giảm khí thải ô nhiễm ra môi trường, thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, cụ thể là năng lượng điện đang được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Bởi, xe điện không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái. Với lợi thế đó, thị trường xe điện đã có những bước nhảy vọt trong thời gian qua. Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện và gần 1,8 triệu mô tô - xe máy được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu.

Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển giao thông xanh cũng được nhiều địa phương chú trọng. Tại TP. Hồ Chí Minh, cuối  năm 2021, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đã chính thức khai trương thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng. 43 trạm đậu xe được bố trí trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt; công viên, điểm du lịch... Mỗi trạm diện tích 10 - 15m2, cho 10-20 xe đậu theo từng ô.

Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối] - Ảnh 7
Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn Trí Nam tổ chức lễ triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn quận 1. (Ảnh: Internet)

Việc phát triển xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa cũng đã tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố… Qua đó, tăng cường hiệu quả sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai (metro, BRT, vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy...) theo hướng văn minh, hiện đại, hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Tại Hà Nội, năm 2009, Công ty cổ phần Đồng Xuân triển khai nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch (xe điện) phục vụ khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và chung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Tháng 12/2021, ba tuyến buýt điện đầu tiên đã chính thức lăn bánh phục vụ người dân và ngay lập tức được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường.

Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối] - Ảnh 8

Đặc biệt, đầu năm 2022, Hà Nội đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Việc đưa vào khai thác tuyến tàu điện đánh dấu bước ngoặt của phát triển giao thông “xanh”, góp phần hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Theo lãnh đạo Hanoi Metro, lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trung bình mỗi ngày dao động ở mức 15 nghìn - 16 nghìn khách/ngày. Riêng thứ bảy và chủ nhật sẽ đông khách hơn.

Cũng trong năm 2022, UBND TP. Hà Nội cũng đã chấp thuận đề án “Xe đạp đô thị” của Sở Giao thông vận tải Hà Nội theo 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 dự kiến thực hiện ngay trong năm 2022, đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 30 tỷ đồng, triển khai tại 85 điểm trên địa bàn 6 quận, gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Tây Hồ với khoảng 85 điểm bố trí xe, mỗi điểm từ 10 - 15 chiếc.  Đây được đánh giá là một trong những kế hoạch nhằm phát triển giao thông xanh tại Hà Nội bởi hình thành hệ thống cho thuê xe đạp với giá rẻ sẽ phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân, tăng cường kết nối các khu vực đô thị với hệ thống vận tải công cộng.

Mới đây nhất, Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động hãng Taxi Xanh SM - taxi điện đầu tiên của Việt Nam. Việc triển khai dịch vụ taxi điện tại Hà Nội không chỉ khẳng định quyết tâm của thành phố và sự hưởng ứng, chung tay của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển giao thông bền vững; mà còn góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch phát triển giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng.  Việc đẩy mạnh phát triển giao thông xanh cũng sẽ đóng góp quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Theo Bộ GTVT, năm 2019 ngành giao thông vận tải phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2 và tương đương, dự báo sẽ tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành, vận tải đường thủy (gồm thủy nội địa và ven biển) chiếm 10%; hàng không chiếm 6%; đường sắt là không đáng kể. Tính theo đơn vị sản lượng vận tải, vận tải đường thủy phát thải thấp nhất, sau đó đến đường sắt, hàng không và cuối cùng là đường bộ có mức phát thải cao nhất.

Nội Dung: Phạm Giang
Thiết Kế: Tường Vũ

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT và hành trình nỗ lực giảm ô nhiễm khí thải phương tiện [Bài cuối]. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới