Các loài sinh vật xâm lấn gây thiệt hại hàng nghìn tỉ USD
Các nhà nghiên cứu ước tính các loài xâm lấn, còn gọi là loài ngoại lai gây hại, đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại gần 1.300 USD kể từ năm 1970, trung bình 26,8 tỉ USD/năm.
Những con muỗi mang bệnh, các loài động vật gặm nhấm phá hoại mùa màng, những loại côn trùng đục gỗ, thậm chí cả mèo nuôi trong nhà đều là các loài xâm lấn đang gây thiệt hại ngày càng lớn đối với con người và môi trường tự nhiên.
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 31/3 trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu làm việc tại Phòng thí nghiệm sinh thái, phân loại và tiến hóa thuộc Đại học Paris-Sacla của Pháp ước tính các loài xâm lấn, còn gọi là loài ngoại lai gây hại, đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại gần 1.300 USD kể từ năm 1970, trung bình 26,8 tỉ USD/năm. Các nhà nghiên cứu cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn nữa.
Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp một loạt tác hại mà các loài xâm lấn gây ra đối với các môi trường sống khác nhau, cả thực vật, côn trùng, bò sát, chim, cá, động vật thân mềm, vi sinh vật hay động vật có vú. Hầu hết tác hại liên quan đến hệ sinh thái, cây trồng, nghề cá và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Nhóm nghiên cứu đã lập danh sách sơ bộ 10 loài xâm lấn gây hại hàng đầu, trong đó có chuột ăn cây trồng và sâu bướm gypsy châu Á - hai loài đang tàn phá cây trồng ở khắp Bắc Bán cầu. Danh sách này cũng có loài muỗi vằn có nguồn gốc từ Đông Nam Á lây truyền các bệnh như chikungunya, sốt xuất huyết và Zika.
Theo các nhà nghiên cứu, mức thiệt hại trung bình hằng năm mà các loài xâm lấn gây ra tăng gấp 3 lần sau mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy số lượng của các loài xâm lấn đã gia tăng "theo cấp số nhân" do hoạt động thương mại quốc tế ngày càng tăng, khi con người nhập khẩu nhiều loài sinh vật.
Tại Australia, các quần thể thỏ hoang dã có nguồn gốc châu Âu, lần đầu tiên được ghi nhận vào đầu những năm đầu thế kỷ 19, đã trở thành loài xâm lấy gây tác hại lớn đối với sinh thái của quốc gia châu Đại Dương này trong 150 năm qua. Chúng sinh sản với tốc độ không thể kiểm soát được, tiêu thụ đất trồng, gây tổn hại các loài sinh vật bản địa, cũng như tàn phá mùa màng với thiệt hại lên tới hàng tỉ USD.
Tại đảo Guam, vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ ở Thái Bình Dương, rắn cây nâu xâm lấn có nguồn gốc từ Australia và Indonesia đã "tàn sát" phần lớn quần thể chim và thằn lằn bản địa kể từ khi được vô tình đưa tới đây vào giữa thế kỷ 20. Chúng còn đe dọa con người và chui rúc vào các trang thiết bị, gây mất điện thường xuyên.
Trong các khu rừng ở Mỹ và gần đây là châu Âu, mọt gỗ sừng dài có nguồn gốc từ châu Á cũng đang tàn phá thảm thực vật, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ sinh thái.
Theo nghiên cứu, loài mèo nuôi trong nhà cũng nằm trong số 10 loài xâm lấn gây hại hàng đầu. Loài vật đã "du hành" khắp thế giới trong hàng trăm năm qua này hiện đã trở thành loài "xâm lấn ở hầu hết các hòn đảo trên thế giới," là thủ phạm "tàn sát" chim muông, bò sát và động vật lưỡng cư ở nhiều nơi trên thế giới.
Ban cố vấn khoa học về đa dạng sinh học (IPBES) của Liên hợp quốc cho biết sinh vật xâm lấn nằm trong số 5 thủ phạm hàng đầu phá hủy môi trường trên toàn thế giới, cùng với những thay đổi về sử dụng đất, khai thác tài nguyên, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Vào năm 2019, IPBES ước tính số lượng các loài xâm lấn đã tăng tới 70% kể từ năm 1970 tại 21 quốc gia được nghiên cứu.
Giám đốc phòng thí nghiệm trên Franck Courchamp nhận định thương mại quốc tế sẽ làm gia tăng nhiều loài sinh vật du nhập, trong khi biến đổi khí hậu sẽ càng giúp nhiều loài du nhập này tồn tại và phát triển mạnh.
Với nghiên cứu trên, các nhà khoa học hy vọng rằng thông qua việc đưa ra một con số về thiệt hại mà các loài xâm lấn gây ra, người dân cũng như nhà chức trách các nước sẽ nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của các loài xâm lấn.
Việc phát hiện sớm, dữ liệu tốt kết hợp các biện pháp phòng ngừa có thể giảm đáng kể thiệt hại mà các loài xâm lấn gây ra. Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng vấn đề này sẽ được đưa vào danh sách các thách thức môi trường nghiêm trọng của nhân loại để nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
Phương Oanh