Chủ nhật, 24/11/2024 03:28 (GMT+7)
Thứ hai, 28/08/2023 17:47 (GMT+7)

Chuyên gia hiến kế phát triển giao thông "xanh" tại Hà Nội (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Phát triển giao thông xanh trong những năm gần đây tại Hà Nội được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Vậy những thách thức nào đang đặt ra đối với ngành giao thông vận tải Thủ đô khi phát triển giao thông xanh?

Chuyên gia hiến kế phát triển giao thông "xanh" tại Hà Nội (Bài 4) - Ảnh 1

Giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát sinh khí nhà kính, đứng thứ 3 so với các ngành khác như ngành năng lượng, ngành nông nghiệp. Tỉ lệ khí phát thải trong giao thông là xấp xỉ 20%. Riêng tại Hà Nội, qua theo dõi, tỉ lệ số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình là 29%, mức kém gần 50% và mức xấu là 22%. Trong đó có ảnh hưởng phát thải từ giao thông.

Chuyên gia hiến kế phát triển giao thông "xanh" tại Hà Nội (Bài 4) - Ảnh 2

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, TS. Trần Thế Tuân – Giảng viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc người dân sử dụng xe đạp, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, tàu điện trên cao… cũng chính là tham gia giao thông xanh.

“Tại Hà Nội những năm gần đây, việc phát triển giao thông xanh được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Đặc biệt, thành phố đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong giai đoạn 2025-2030, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh”, TS Tuân cho biết.

Theo TS. Trần Thế Tuân, chuyển đổi xanh là xu thế của toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam hay Hà Nội. Trong giao thông hiện nay, chuyển đổi xanh chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực giao thông công cộng. Các phương tiện giao thông công cộng sử dụng nguyên liệu xanh đang từng bước xuất hiện, thay thế các phương tiện sử dụng nguyên liệu hóa thạch.

Chuyên gia hiến kế phát triển giao thông "xanh" tại Hà Nội (Bài 4) - Ảnh 3
Đồ họa: Hải An.

Còn theo ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, hiện nay dư luận xã hội cả nước hết sức hết sức hoan nghênh chủ trương phát triển xe buýt xanh của nhà nước, chuyển từ xe buýt chạy nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu điện rất phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội và của thế giới.

Người dân rất đồng tình hoan nghênh với chủ trương và mong sản phẩm này góp phần bảo vệ cải thiện môi trường của TP. Hà Nội theo hướng ngày càng xanh sạch hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe của chính những cá thể đang sinh sống, tham gia giao thông hàng ngày trên địa bàn Thủ đô. Thực tế hiện nay cũng đã cho thấy, phát triển xe buýt điện đang được một số doanh nghiệp kinh doanh thí điểm trên địa bàn TP. Hà Nội.  Tuy nhiên, quá trình thí điểm cần có thời gian để tìm ra mô hình kinh doanh thích hợp nhất, cũng như để người dân quen với sự có mặt của các phương tiện này khi tham gia giao thông.

Góc nhìn mới từ quy hoạch đô thị, giao thông

Theo ông Phạm Duy Anh (nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội Môi trường Giao thông Vận tải Việt Nam) để giảm bớt lượng khí thải phát sinh trong hoạt động giao thông cần giảm bớt lượng xe máy tham gia giao thông, tăng cường phương tiện xe công cộng, đường sắt trên cao, tăng cường các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, sử dụng điện sẽ góp phần giảm phát thải khí thải. Trước mắt cần tăng cường phương tiện công cộng, tiếp tục cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng.  

Tuy nhiên, để thay đổi bộ mặt của TP. Hà Nội nói chung, của giao thông Hà Nội nói riêng, cần phải thay đổi quy hoạch hạ tầng nói chung, quy hoạch giao thông nói riêng.

“Chỉ có phát triển mạnh hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, hệ thống giao thông công cộng đi kèm góp phần làm giảm phương tiện cá nhân, làm giảm lượng khí thải góp phần làm giảm ô nhiễm không khí để Hà Nội ngày càng xanh sạch đẹp hơn”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Đối với những phương tiện sử dụng động cơ điện cần có thời gian để người dân quen với sự có mặt của các loại phương tiện này, để cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng đáp ứng nhu cầu của người dân. Làm sao tầng hầm tại các chung cư cao tầng đủ chỗ sạc điện cho phương tiện của cư dân tránh mất thời gian chờ đợi. Đi kèm với đó cũng phải đảm bảo an toàn về điện, tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.

Cũng theo ông Bùi Danh Liên, để giảm lượng phát khí thải, giảm phương tiện giao thông tại TP. Hà Nội chúng ta cần phải căn cứ vào năng lực của cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các giải pháp phù hợp, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, sử dụng các phương tiện công cộng, sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường,… Để các chính sách trở thành hiện thực, cần kế hoạch cụ thể từ các cấp chính quyền.

Chuyên gia hiến kế phát triển giao thông "xanh" tại Hà Nội (Bài 4) - Ảnh 4

GS.TSKH, Nhà giáo Nhân dân Phạm Ngọc Đăng - một trong những nhà khoa học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề phát triển thành phố xanh tại Việt Nam. Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, “thành phố xanh hay thành phố bền vững môi trường” là thành phố được thiết kế và xây dựng trong điều kiện cân nhắc các tác động môi trường ở vị trí hàng đầu, không những chú ý đến sự thịnh vượng cuộc sống của dân cư đô thị, giảm thiểu nhu cầu tài nguyên đầu vào của thành phố (năng lượng, nước, vật liệu...) mà còn phải đảm bảo thành phố sản sinh ra chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất, thành phố bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo không khí sách, nước sạch, đất sạch...

Chuyên gia hiến kế phát triển giao thông "xanh" tại Hà Nội (Bài 4) - Ảnh 5
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng phân tích về tình hình ô nhiễm của Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà/Báo Lao Động.

Cũng theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, xây dựng xanh mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho bản thân chủ đầu tư công trình cũng như cho xã hội và quốc gia như: Tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu; Tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước sạch, tái sử dụng nước thải, thu gom và sử dụng nước mưa; giảm thiểu úng ngập mùa mưa, dự trữ nước cho hạn hán; Nâng cao chất lượng môi trường sống trong công trình; Giảm thiểu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường; Bảo đảm hệ sinh thái các khu vực xây dựng công trình.

Để đưa “lý thuyết” trên thành thực tiễn, theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp khác nhau. “Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về tác hại sức khỏe của ô nhiễm không khí và hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) không khí. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi người dân, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác BVMT không khí nói riêng và BVMT thành phố nói chung”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng khẳng định.

Ngoài việc tuyên truyền, chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm giao thông vận tải: Giải pháp trước mắt, cần kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới. Tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới (các loại xe ô tô, đặc biệt là các loại xe buýt, xe tải, xe ô tô chạy dầu, và các loại mô tô, xe máy). Cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về BVMT.

Chuyên gia hiến kế phát triển giao thông "xanh" tại Hà Nội (Bài 4) - Ảnh 6
Giao thông đô thị tại Hà Nội. Ảnh: Huy Tình.

Tiến hành phun nước rửa đường vào các ngày trời nắng hanh khô. Giải pháp lâu dài là hoàn thiện quy hoạch chung đô thị hợp lý, đặc biệt là quy hoạch giao thông đô thị thông minh, phát triển hệ thống giao thông công cộng, các loại xe buýt điện, metro, đường xe điện trên cao... Khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, xe đạp; các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện...

Tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm, như không sản xuất bê tông tươi tại công trường mà sản xuất bê tông tươi tại các trạm sản xuất bê tông tươi rồi chở đến công trường bơm lên sàn, cột công trình,... Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, cũng như việc vận chuyển đổ trộm chất thải xây dựng, đặc biệt là vận chuyển chất thải về ban đêm.

Vệ sinh đường phố sạch sẽ, văn minh, hiện đại. Quét dọn đường xá, vỉa hè, thường xuyên, bảo đảm đường xá được hút bụi hoặc rửa đường sạch sẽ. Thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải của đô thị. Giáo dục nhân dân giữ gìn vệ sinh đường phố, không vứt rác ra đường hay vứt rác ra cống rãnh, kênh mương thoát nước. Đi cùng với đó, tăng cường phát triển trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong thành phố, bảo đảm chỉ tiêu diện tích cây xanh trên đầu người dân đạt chỉ số quy định theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Tăng tỷ lệ cây xanh

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam nhận định: “Đến nay Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất được UNESCO công nhận là thành phố hòa bình, nhưng đáng tiếc tỉ lệ cây xanh tại Hà Nội vẫn đang ở mức thấp, bình quân khoảng 2 m2/người. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ cây xanh tại Hà Nội ở mức thấp do diện tích dành cho các dự án vui chơi công cộng rất ít, trong khi đó các dự án công viên cây xanh trên địa bàn TP. Hà Nội không đảm bảo tiến độ. Để tăng tỷ lệ cây xanh, cần đẩy nhanh các dự án công viên cây xanh, trồng thêm cây xanh hai bên vỉa hè các tuyến đường vừa hoàn thiện để Hà Nội ngày càng xanh hơn xứng đáng với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình”. 

Nội dung: Hà Xuân
Đồ họa: Hải An

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia hiến kế phát triển giao thông "xanh" tại Hà Nội (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới