Chủ nhật, 24/11/2024 13:30 (GMT+7)
Thứ tư, 04/01/2023 07:10 (GMT+7)

Khoác áo mới cho Đắk Som

Theo dõi KTMT trên

(TN&MT) - Xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) hiện có hơn 2.000 hộ, với 10.600 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%.

Xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) hiện có hơn 2.000 hộ, với 10.600 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương về công tác cấp đất ở, đất sản xuất cùng với sự nỗ lực của người dân, Đắk Som đang đổi thay từng ngày.

Đổi thay nhờ chính sách

Nằm cách trung tâm huyện Đắk Glong hơn 20km, tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng, xã Đắk Som được xem là một trong những xã có điều kiện kinh tế khá khó khăn. Điều đáng nói, Đắk Som cũng là một trong những xã có tỷ lệ người dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào ngày một đông, tác động không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bằng những chính sách phù hợp về đất đai cũng như sự hỗ trợ về nhiều mặt khác trong quá trình phát triển của địa phương nên các hộ dân đã dần ổn định.

Đắk Nông đã và đang triển khai thực hiện đầu tư 12 dự án bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn được phê duyệt của các dự án là 1.436,969 tỷ đồng. Hiện, tỉnh đang gấp rút rà soát các nguồn đất, nếu phù hợp, đúng quy hoạch, sẽ đo đạc cấp mới để người dân sớm ổn định cuộc sống, nhất là ở những vùng dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn để những tấm sổ đỏ thực sự trở thành những hạt mầm ấm no trên mảnh đất Đắk Nông.

Điển hình, gia đình anh Lò Văn Nương - trú tại thôn 4, xã Đắk Som di cư từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Nông từ những năm 2004. Những ngày đầu, gia đình anh mua được một mảnh đất chưa đầy 1ha trồng cà phê và chăn nuôi thêm để có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, do số tiền tích góp từ quê vào mua đất đã hết nên không có vốn để phát triển thêm. “Thời điểm đó, gia đình 4 miệng ăn nhưng có mình tôi đi làm nên khó khăn lắm. Trong khi đó, đất nhà mua lại chưa thể cấp sổ đỏ được nên không đi vay ngân hàng được” - anh Nương chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nương cho biết, qua nhiều năm chờ đợi và đi lại để làm các thủ tục, đến năm 2015, diện tích đất của gia đình cũng đã đủ các điều kiện để Nhà nước đo đạc phục vụ cho việc cấp mới sổ đỏ. Sau hơn 2 tháng, gia đình anh đã chính thức nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Gia đình tôi rất vui mừng và phấn khởi vì lần đầu tiên cầm trên tay quyển sổ đỏ hằng mơ ước. Từ đây, chúng tôi có thể toàn quyền sử dụng mảnh đất theo quy định của pháp luật. Sau khi có sổ, tôi và các con đã mạnh dạn đến ngân hàng làm các thủ tục vay một khoản tiền nhỏ tạo vốn làm ăn với mong muốn thay đổi cuộc sống”.

Nhờ vào nguồn vốn vay được, sau hơn 2 năm, gia đình anh Nương từ hộ nghèo đã thoát nghèo và đến nay đã có những thay đổi rất lớn về kinh tế. Hiện tại, gia đình anh đã xây được một ngôi nhà cấp bốn khang trang và mua thêm hơn 5 sào đất để trồng cà phê. “Phải nói có được ngày hôm nay, gia đình tôi rất cảm ơn các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh đã tạo điều kiện cấp đất và hoàn thành các thủ tục pháp ly để tôi có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh”.

Tương tự, gia đình bà Nông Thị Lê - trú tại thôn 1, xã Đắk Som, cũng di cư từ tỉnh Hòa Bình vào từ năm 2000. Theo bà Lê, thời gian đầu mới vào, gia đình chưa có hộ khẩu, chưa có đất ở, đất sản xuất nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi trình báo với địa phương, gia đình được hỗ trợ một số vấn đề pháp lý để có đủ thủ tục mua rẫy phát triển kinh tế. “Chúng tôi may mắn được Nhà nước hỗ trợ cấp 400m2 đất ở và 1ha đất sản xuất. Từ đó, gia đình có đất ổn định để đầu tư chuồng trại, phát triển kinh tế bằng nghề chăn nuôi”, bà Lê chia sẻ.

Theo bà Lê, sau khi có cái ăn cái mặc gia đình chuyển dần sang kinh doanh thêm một số mặt hàng như mắm, muối, gạo… phục vụ cho người dân trong thôn để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện tại, gia đình bà đã sửa sang lại căn nhà khang trang hơn, các con có đủ điều kiện để đến trường học. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của địa phương, gia đình bà cũng đã nhận giao khoán thêm 3ha rừng thuộc quản lý của Vườn quốc gia Tà Đùng để bảo vệ cũng như hưởng thêm phí dịch vụ môi trường rừng. “Ngoài làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng tôi cũng mong muốn góp chút sức mọn vào công tác bảo vệ rừng, giúp cho cây rừng ngày một phát triển để những người dân chúng tôi hưởng lợi”, bà Lê tâm sự.

Địa phương đồng hành cùng người dân

Theo ông Lê Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tính đến thời điểm này, toàn xã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Dù vẫn còn khá thấp nhưng đây vẫn được xem là một trong những thành công, nhờ sự cố gắng nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính quyền xã trong thời gian qua. Lý giải về điều này, ông Đại cho biết, thực trạng địa phương có đến trên 80% dân số là người đồng bào thiểu số. Đa phần người dân di cư từ phía Bắc vào, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhất là tập quán sinh hoạt sống tập trung ở những khu vực tiếp giáp với rừng, vùng sâu, vùng xa nên việc đi lại để vận động cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, từ nhiều năm qua, lãnh đạo UBND xã Đắk Som đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế để thực hiện công tác tuyên truyền vận động. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, đồng hành cùng địa phương trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Khoác áo mới cho Đắk Som - Ảnh 1

Ngoài ra, xã cũng đã từng bước tổng hợp để trình với cấp trên về những khó khăn, bất cập mà người dân đang gặp phải trong quá trình sinh sống, để từ đó, cấp trên có chính sách phù hợp giúp người dân từng bước ổn định. “Được sự đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương, hiện nay trên 90% số hộ của xã được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu, các trục đường chính ở các thôn, bon đều là đường nhựa hoặc bê tông. Có được những điều kiện thuận lợi đó, bà con đang ra sức phát triển kinh tế, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới” - ông Đại chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nam Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, huyện cũng đã từng bước rà soát, kiểm kê thực hiện việc cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân theo đúng quy định của pháp luật để giúp người dân tại một số xã như Đắk Som, Đắk Plao… có điều kiện tốt nhất phát triển kinh tế. Tương lai đã mở ra với vùng đất này.

Ghi chép của Phạm Ngọc Hoài

Bạn đang đọc bài viết Khoác áo mới cho Đắk Som. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới