Mất bao lâu để đi bộ quanh mặt Trăng?
Nhìn từ Trái Đất, mặt Trăng trông bé xíu, nhưng một chuyến đi vòng quanh vòng tròn “bé xíu” ấy có thể mất hơn một năm.
Đó là chưa kể đến rất nhiều thách thức cần phải vượt qua trên thực tế. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ di chuyển, thời gian di chuyển trong một ngày và những khi phải đi đường vòng để tránh những địa hình nguy hiểm....
Thông tin từ NASA, tổng cộng 12 người đã đặt chân lên bề mặt mặt Trăng, tất cả đều là một phần của các sứ mệnh Apollo từ năm 1969 đến năm 1972. Đoạn phim được chiếu lại ở Trái Đất đã cho thấy có nhiều thách thức trong việc đi bộ xung quanh vùng trọng lực thấp của mặt Trăng - nơi chỉ bằng 1/6 lực hấp dẫn của Trái Đất.
Tuy nhiên, nghiên cứu từ NASA chỉ ra rằng con người có thể di chuyển trên mặt Trăng nhanh hơn nhiều so với các phi hành gia trên tàu Apollo. Về mặt lý thuyết, việc đi bộ theo chu vi của mặt Trăng có thể được thực hiện nhanh hơn so với những dự đoán trước đây.
Trong các sứ mệnh của Apollo, các phi hành gia nhảy cóc quanh bề mặt với vận tốc bình thường 2,2km/giờ, theo NASA. Tốc độ chậm này chủ yếu là do bộ đồ không gian có áp suất, và do thiết kế cồng kềnh, không có tính cơ động của chính. Nếu “những người đi bộ trên mặt Trăng” mặc những bộ đồ thể thao, họ có thể thấy dễ dàng hơn rất nhiều khi di chuyển và kết quả là họ bắt kịp tốc độ.
Vào năm 2014, một nghiên cứu của NASA được công bố trên Tạp chí Sinh học Thực nghiệm đã kiểm tra tốc độ con người có thể đi bộ và chạy trong lực hấp dẫn mặt Trăng mô phỏng. Nhóm nghiên cứu đã mời 8 người tham gia (3 trong số đó là các phi hành gia) sử dụng máy chạy bộ trên máy bay DC-9, bay theo quỹ đạo parabol đặc biệt trên Trái Đất để mô phỏng lực hấp dẫn trên mặt Trăng trong thời gian tối đa 20 giây.
Thí nghiệm này tiết lộ rằng những người tham gia có thể đi bộ lên đến 5km/h trước khi bắt đầu chạy. Theo các nhà nghiên cứu, con số này không chỉ cao hơn gấp đôi tốc độ đi bộ mà các phi hành gia Apollo mà còn khá gần với tốc độ đi bộ tối đa trung bình 7,2km/h trên Trái Đất.
Với tốc độ tối đa theo giả thuyết mới này, sẽ mất khoảng 91 ngày để đi bộ hết chu vi 10.921km của mặt Trăng. Rõ ràng việc đi bộ liên tục trong 91 ngày là không thể. Vì vậy chuyến đi bộ thực tế quanh mặt Trăng sẽ mất gấp nhiều thời gian hơn.
Việc đi bộ quanh mặt Trăng cũng đặt ra một số thách thức khác nhau. Aidan Cowley, một cố vấn khoa học tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết những công việc hậu cần cho chuyến đi cũng là một thách thức lớn, mang theo nguồn cung cấp, chẳng hạn như nước, thực phẩm và oxy. Các nhà thám hiểm Mặt Trăng cũng sẽ cần một bộ đồ không gian với thiết kế cho phép di chuyển tối ưu. Các bộ quần áo vũ trụ hiện tại vẫn không có khả năng vận động cao, nhưng một số cơ quan đang phát triển những bộ quần áo vừa vặn với form dáng để cho phép cánh tay có thể di chuyển tối đa để có thể đi bộ được trên mặt Trăng.
Địa hình hiểm trở của mặt Trăng cũng sẽ khiến cho việc đi bộ khá khó khăn, đặc biệt là với những hố thiên thạch. Sự thay đổi của ánh sáng, nhiệt độ cũng là vấn đề. Tại đường xích đạo của mặt Trăng, vào ban ngày nhiệt độ vào khoảng 100 độ C nhưng vào ban đêm nhiệt độ chỉ còn âm 180 độ C. Và ít nhất một nửa cuộc hành trình sẽ phải thực hiện trong bóng tối. Những bộ quần áo thiết kế đặc biệt có thể bảo vệ con người khỏi sự thay đổi khắc nghiệt của nhiệt độ. Mối nguy lớn hơn nữa là bức xạ. Không giống như Trái Đất, mặt Trăng không có từ trường làm lệch hướng của bức xạ đến bề mặt của nó. “Nếu xảy ra một vụ nổ hay phóng xạ, con người có thể bị tổn thương bởi mức độ bức xạ cao”, Cowley nói.
Nếu một người đi bộ với tốc độ 5km/giờ trong 4 giờ mỗi ngày, thì ước tính sẽ mất 547 ngày hoặc gần 1,5 năm để đi bộ hết chu vi của mặt Trăng (với giả thuyết tuyến đường không bị các miệng núi lửa làm gián đoạn và có thể đối phó với sự thay đổi nhiệt độ và bức xạ). Tuy nhiên, con người sẽ không có công nghệ hoặc thiết bị để đạt được kỳ tích như vậy cho đến ít nhất là cuối những năm 2030 hoặc đầu những năm 2040 - Cowley nói.
Ly Phương