Oxy cạn kiệt trong các đại dương có thể phá hủy hàng loạt hệ sinh thái biển
Biến đổi khí hậu đang làm đảo lộn sự cân bằng mong manh giúp cung cấp nguồn lợi sinh vật biển dồi dào. Đặc biệt, mức oxy cạn kiệt trong các đại dương và hồ trên thế giới đang đe dọa đời sống biển.
Tác nhân lớn của nóng lên toàn cầu
Bên cạnh những tác động thảm khốc diễn ra với tốc độ đáng sợ của biến đổi khí hậu như hạn hán, nạn đói, hiện tượng vòm nhiệt, cháy rừng, lũ quét chết người…, một thảm họa tiềm tàng khác đã xuất hiện, đe dọa đời sống biển. Đó là mức oxy cạn kiệt trong các đại dương và hồ trên thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo, với tình trạng khẩn cấp khí hậu và thâm canh, oxy trong các đại dương đang bị mất với tốc độ chưa từng thấy, gây ra nhiều khu vực chết chóc và hàng trăm khu vực khác oxy bị cạn kiệt một cách nguy hiểm.
Nghiên cứu mới đây của 2 nhà khoa học Julie Pullen và Nathalie Goodkin cho rằng nồng độ oxy trong đại dương là tác nhân lớn tiếp theo của sự nóng lên toàn cầu.
Nhiệt độ toàn cầu tăng cao khiến các đại dương đã mất 10-40% lượng oxy, và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ nước tăng và lượng oxy cạn kiệt, sự ô nhiễm và chất dinh dưỡng bị rút dần... là những nguyên nhân khiến cá bị chết hàng loạt trong năm nay ở các bang nước Mỹ như Florida, California, Oregon, Montana, Louisiana, Virginia, Pennsylvania, Missouri, Washington, Idaho, Delaware và Minnesota. Ước tính có khoảng 1 tỉ động vật biển dọc theo bờ biển Canada cũng bị chết do đợt nắng nóng đó.
Thực tế, biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân chính duy nhất khiến cá chết, nhưng nó là một yếu tố góp phần. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi lượng CO2 tăng lên trong khí quyển, nó không chỉ làm ấm không khí bằng các bẫy bức xạ mà còn làm ấm nước. Tác động qua lại giữa các đại dương với bầu khí quyển rất phức tạp và đan xen, các đại dương đã hút khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa do biến đổi khí hậu tạo ra.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang làm đảo lộn sự cân bằng mong manh giúp cung cấp nguồn sinh vật biển dồi dào. Các cá thể nước có thể hấp thụ CO2 và O2, nhưng chỉ ở một giới hạn phụ thuộc vào nhiệt độ. Tính hòa tan của khí giảm khi nhiệt độ ấm lên, nghĩa là nước ấm hơn sẽ giữ ít oxy hơn. Sự giảm hàm lượng oxy này, cùng với sự chết đi với quy mô lớn của thực vật phù du tạo ra oxy, không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do ô nhiễm nhựa và hoạt động công nghiệp, làm tổn hại đến hệ sinh thái, làm ngạt thở các sinh vật biển và dẫn đến tình trạng phá hủy hàng loạt các hệ sinh thái này.
Nguy cơ “kép” do biến đổi khí hậu
Theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, các đại dương trên thế giới đã bị quá tải và bị tấn công bởi chất thải nhựa cũng như các chất ô nhiễm khác. Biển có tính axit cao hơn khoảng 26% so với thời kỳ tiền công nghiệp do hấp thụ lượng carbon dioxide dư thừa trong khí quyển.
Mặt khác, một số khu vực đại dương có lượng oxy tự nhiên thấp hơn những khu vực khác, nhưng những khu vực này thậm chí còn dễ bị hư hại hơn khi mức oxy của chúng bị cạn kiệt hơn nữa. Các loài có thể chịu đựng mức oxy thấp hơn, chẳng hạn như sứa, một số vi khuẩn mực và biển, có thể phát triển mạnh, làm đảo lộn sự cân bằng của hệ sinh thái.
Nông nghiệp thâm canh cũng là một nguyên nhân quan trọng. Khi phân bón nhân tạo dư thừa từ cây trồng, hoặc phân động vật từ đất chảy ra sông, biển, làm tảo nở hoa và gây ra sự suy giảm oxy khi bị phân hủy.
Đáng chú ý, các nước ở Đông Nam Á, Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Phi, vốn chủ yếu dựa vào ngành thủy sản để duy trì sinh kế và phát triển kinh tế, đang đối mặt với “nguy cơ kép” do biến đổi khí hậu tác động tiêu cực lên một ngành kinh tế quan trọng của họ. Hàng triệu người ở các nước đang phát triển có thể phải đối mặt với sự bất ổn gia tăng về lương thực và kinh tế do sự đe dọa của biến đổi khí hậu đối với các hệ thống thực phẩm thủy sản, biến đổi khí hậu đối với các nước dựa vào nghề cá.
Tiến sĩ Monica Verbeek, Giám đốc điều hành của nhóm Nguy cơ biển (Seas at Risk) nhận định: “Một đại dương khỏe mạnh với sinh vật biển phong phú có khả năng làm chậm tốc độ phân hủy khí hậu một cách đáng kể. Đến nay, tác động sâu sắc nhất đến môi trường biển là từ việc đánh bắt cá. Việc chấm dứt đánh bắt quá mức là một hành động nhanh chóng, có thể sẽ khôi phục quần thể cá, tạo ra hệ sinh thái đại dương kiên cường hơn, giảm ô nhiễm CO2 và tăng thu hồi carbon, cung cấp nghề cá có lợi hơn và cộng đồng ven biển phát triển mạnh.
Do mối liên hệ chặt chẽ giữa các vùng nhiệt đới và các quốc gia ngoài nhiệt đới thông qua thương mại và đánh bắt xa bờ, việc giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu ở vùng nhiệt đới sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới. Đây cũng là một lý do để các nước cần hỗ trợ nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước nhiệt đới. Nếu không tiến hành những hành động khẩn cấp, ngành khai thác thủy sản - nhất là ở những khu vực như vùng nhiệt đới châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ đối diện với những thảm họa tồi tệ nhất.
Hệ sinh thái biển Việt Nam cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu
Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những vùng đất ngập nước ven biển, điển hình là khu vực rừng ngập mặn ở Cà Mau, TP. HCM, Vũng Tàu và Nam Định.
Biến đổi khí hậu làm cho đa dạng sinh học vùng bờ cùng với nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái vùng bờ bị suy thoái và thu hẹp diện tích. Các quần thể động thực vật có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi sự tương tác giữa sông – biển ở vùng cửa sông ven bờ và do mất tới 60% các nơi cư trú tự nhiên.
Các nhà khoa học cảnh báo, khi nước biển dâng, độ mặn nước trong rừng ngập mặn có thể vượt quá 25% dẫn tới một số loài sinh vật trong rừng ngập mặn sẽ bị tuyệt chủng. Nếu lượng lắng đọng bùn cát tại khu vực rừng ngập mặn không vượt quá mức nước biển dâng, thời gian ngập rễ của cây gia tăng sẽ khiến một số loại cây không chịu ngập được dài ngày bị chết.
Bên cạnh đó, sự gia tăng trường sóng sát rừng ngập mặn do mực nước biển dâng tạo ra sóng lớn đánh thẳng vào rừng gây xói lở bãi, làm suy thoái hoặc biến mất rừng khiến cho “vành đai xanh chắn sóng” này suy giảm hoặc có thể mất đi chức năng bảo vệ bờ biển. Khi độ che phủ của rừng ngập mặn giảm dần sẽ dẫn tới sự phân tán thành nhiều thảm nhỏ, môi trường đất bị ô nhiễm, quá trình phèn hóa gia tăng, giảm bồi tụ phù sa, đa dạng sinh học bị suy giảm vì không còn điều kiện thích hợp để các loài sinh vật sinh sống và trú ngụ
Lan Anh (T/h)