Phát hiện xương khủng long lớn nhất thế giới
Các nhà khảo cổ học đã khai quật được hóa thạch có niên đại 98 triệu năm tuổi ở tây nam Argentina mà họ cho rằng có thể thuộc về loài khủng long lớn nhất từng được phát hiện.
Các nhà khảo cổ từ Đại học Quốc gia La Matanza (Argentina) cho biết những mẩu xương hóa thạch có kích thước bằng con người lớn hơn 10-20% so với những mảnh xương được cho là của khủng long cổ dài Patagotitan, loài khủng long lớn nhất từ trước tới nay.
Khủng long Patagotitan có cái cổ dài, đuôi dài, ăn thực vật và là sinh vật trên cạn lớn nhất từng sống trên Trái đất. Chúng có cân nặng khoảng 70 tấn và dài 40 m, tương đương với chiều dài của 4 chiếc xe buýt.
Nhà khảo cổ học Alejandro Otero đang cố gắng lắp ghép các mẫu vật bao gồm 20 đốt sống và các mẩu xương chậu với nhau để có cái nhìn khái quát về kích thước của con khủng long.
Cuộc tìm kiếm các bộ phận cơ thể của loài khủng long này vẫn đang được tiếp tục. Đối với các nhà khoa học, các mảnh xương đùi sẽ rất hữu ích trong việc ước tính khối lượng cơ thể của một sinh vật này.
Theo nhà cổ sinh vật học Jose Luis Carballido các hóa thạch khổng lồ được phát hiện vào năm 2012 ở Thung lũng sông Neuquen, nhưng công việc khai quật chỉ bắt đầu vào năm 2015.
“Chúng tôi có hơn một nửa phần đuôi, rất nhiều xương hông. Rõ ràng là nó vẫn còn bên trong đống đất đá, vì vậy chúng ta còn phải đào thêm vài năm nữa", ông Carballido nói.
Nhà địa chất học Alberto Garrido, giám đốc Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Zapala, cho biết bộ xương khổng lồ được tìm thấy trong một lớp đá có niên đại khoảng 98 triệu năm trước trong kỷ Phấn trắng Thượng.
“Chúng tôi cho rằng mẫu vật có thể hoàn chỉnh hoặc gần như hoàn chỉnh. Mọi thứ phụ thuộc vào những gì xảy ra với cuộc khai quật. Nhưng bất kể nó có lớn hơn kích cỡ thông thường hay không, việc phát hiện ra một con khủng long nguyên vẹn có kích thước như vậy là một điều mới lạ", ông Garrido cho biết.
Bắc Hiệp/Theo AFP