Chất lượng không khí tại châu Âu cải thiện đáng kể trong 10 năm qua
Chất lượng không khí trên toàn "Lục địa Già" đã được cải thiện đáng kể trong 10 năm qua, nhưng ô nhiễm vẫn là yếu tố góp phần làm gia tăng tỉ lệ tử vong sớm tại đây.
Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), chất lượng không khí trên toàn "Lục địa Già" đã được cải thiện đáng kể trong 10 năm qua, nhưng ô nhiễm vẫn là yếu tố góp phần làm gia tăng tỉ lệ tử vong sớm tại đây.
Kết quả nghiên cứu công bố ngày 23/11 cho biết sức khỏe người dân tại các khu vực đô thị châu Âu đặc biệt chịu các tác động tiêu cực, trong đó nhiều người mắc các bệnh có thể gây tử vong như bệnh về đường hô hấp và tim mạch.
Năm 2018, có tới 34% số cư dân thành thị tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh vẫn phải hít thở không khí có bụi mịn ở tầng ozone thấp với nồng độ cao hơn mức an toàn với sức khỏe con người mà EU đề ra.
Ngoài ra 15% số người dân đang phải hít thở cái gọi là hạt PM10 (vật chất dạng hạt có đường kính từ 10 micrometres trở xuống) ở mức cao hơn giới hạn hằng ngày của EU.
Theo EEM, khoảng 99% số cư dân tại các đô thị châu Âu đã tiếp xúc với không khí có nồng độ bụi mịn cao hơn ngưỡng khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy nhiên, theo EEA, châu Âu đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong suốt 10 năm qua và ước tính châu lục này đã tránh được khoảng 400.000 ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
Kể từ năm 2000, EEA đã ghi nhận sự giảm phát thải đáng kể của một số chất gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là lưu huỳnh và nitrogen oxide.
EEA cũng ghi nhận sự "tách biệt tuyệt đối" lượng khí thải từ các hoạt động kinh tế, có nghĩa là lượng khí thải giảm xuống ngay cả khi hoạt động kinh tế tăng lên.
Những yếu tố góp phần mang lại những tiến bộ trên bao gồm "tăng cường quy định và thực hiện chính sách, chuyển đổi nhiên liệu, cải tiến công nghệ và năng lượng."
Ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên châu Âu về môi trường, đại dương và ngư nghiệp, nhấn mạnh: "Một thông tin tích cực là chất lượng không khí đang được cải thiện nhờ các chính sách về môi trường và khí hậu mà chúng tôi đã và đang thực hiện."
Tuy nhiên, theo ông, châu Âu không thể chủ quan vì số ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí vẫn còn cao.
Năm 2018, tại 41 quốc gia châu Âu, số ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí đã giảm khoảng 60.000 ca so với năm 2009.
Tiếp xúc với bụi mịn vẫn được coi là nguyên nhân gây ra 417.000 ca tử vong sớm trong năm 2018, trong đó riêng 27 quốc gia thành viên EU và Anh là 379.000 ca tử vong.
Phương Hoa