Chủ nhật, 24/11/2024 08:02 (GMT+7)
Thứ tư, 22/07/2020 06:30 (GMT+7)

Điện phân nhôm tiêu tốn nhiều năng lượng điện

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chỉ nên phát triển ngành công nghiệp luyện nhôm ở mức độ vừa phải nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước là chính, xuất khẩu là phụ.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả phân tích CBA của các dự án điện phân nhôm đều cho giá trị NPV cao (Hình 2).

Điện phân nhôm tiêu tốn nhiều năng lượng điện - Ảnh 1

Hình 2: Biến động NPV các dự án điện phân nhôm theo năm.

Đối với dự án Trần Hồng Quân, giá trị NPV thu được là 17.803.486 triệu đồng, IRR là 33,6%, thời gian thu hồi vốn là 3 năm 11 tháng. Dự án tổ hợp bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên cho giá trị NPV là 39.445.739 triệu đồng, IRR bằng 32,1%, thời gian thu hồi vốn là 3 năm 9 tháng. Với kết quả này, các dự án trên đảm bảo hiệu quả kinh tế trước sự biến động của tỉ lệ chiết khấu r. Đồng thời, giá trị NPV của tổ hợp bauxite - alumina - nhôm lớn gấp 2 lần NPV của nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân. Điều này cho thấy việc tiến hành khai thác bauxite, sản xuất alumina và điện phân nhôm nếu được thực hiện theo chuỗi liên tục và được đầu tư hoàn chỉnh bởi cùng một chủ đầu tư sẽ đem lại lợi ích tối ưu hơn so với việc thực hiện riêng lẻ từng hạng mục.

Giá điện chiếm 45% tổng chi phí sản xuất và là yếu tố chi phối tính hiệu quả trong hoạt động của nhà máy điện phân nhôm. Dòng tiền của dự án Trần Hồng Quân trong 30 năm mang giá trị dương trong 10 năm được hỗ trợ giá điện và giá trị âm từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 30 với lượng nhỏ không đáng kể. Đối với tổ hợp bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên, khi giá điện không còn được nhà nước hỗ trợ mà trở về giá thị trường vào năm thứ 11, dòng tiền lúc này vẫn mang giá trị dương đến hết năm thứ 30 (hình 2). Điều này cho thấy việc làm chủ nguồn nguyên liệu đầu vào và tiến hành từ khâu khai thác quặng bauxite, sản xuất alumina và điện phân nhôm giúp tiết kiệm chi phí, giảm sự phụ thuộc vào giá điện trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.

Trong tổng chi phí sản xuất của dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân, giá alumina chiếm 30% và cũng là một yếu tố quyết định tính hiệu quả trong hoạt động của dự án này. So sánh kết quả phân tích chi phí – lợi ích của dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân với dự án tổ hợp bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên ở bảng 2 có thể thấy, việc làm chủ nguyên vật liệu đầu vào giúp cho giá thành sản xuất của tổ hợp bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên thấp hơn 4.692.223 đồng/tấn (202USD/tấn) so với dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân.

Một năm, nhà máy alumina Nhân Cơ xuất khẩu 650.000 tấn alumina. Với mức thuế suất 2%, trung bình một năm nhà máy này đóng khoảng 125 tỉ đồng tiền thuế xuất khẩu. Nếu sản phẩm nhôm của các nhà máy điện phân được sử dụng để xuất khẩu, thì với mức thuế suất 5%, tiền thuế xuất khẩu bình quân 450.000 tấn nhôm kim loại là trên 1.300 tỉ đồng/năm, lớn gấp hơn 10 lần tiền thuế xuất khẩu 650.000 tấn alumina trong một năm.

Điện phân nhôm tiêu tốn nhiều năng lượng điện - Ảnh 2
Toàn cảnh nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Mặc dù xuất khẩu nhôm kim loại đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, tuy nhiên việc xuất khẩu nhôm trong giai đoạn hiện nay được cho là ít khả thi vì chi phí điện cao khiến giá thành sản xuất nhôm ở nước ta ít có tính cạnh tranh trên thị trường. Năm 2019, nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới Trung Quốc tồn kho 16 triệu tấn nhôm và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nhôm giá rẻ trong thời gian tới để giải phóng hàng tồn kho. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến thị trường nhôm thế giới và Việt Nam. Do vậy, trong giai đoạn tới, Việt Nam chỉ nên sản xuất nhôm để phục vụ tiêu dùng trong nước và tiết kiệm ngoại tệ (trong thời gian qua Việt Nam hàng năm phải nhập nhôm kim loại với số tiền là 390 triệu USD năm 2010, 480 triệu USD năm 2015).

Khi nhà máy điện phân nhôm sử dụng 100% sản phẩm alumina của nhà máy Nhân Cơ để sản xuất, lúc này nhà máy alumina Nhân Cơ sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển sản phẩm ra cảng biển xuất khẩu. Chi phí vận chuyển alumina ra cảng biển lớn (21-23USD/tấn) là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất của các nhà máy alumina của nước ta ở mức cao. Điều này khiến cho hiệu quả hoạt động của tổ hợp bauxite - alumina Nhân Cơ được cải thiện rõ rệt với kết quả phân tích tài chính NPV là 8.039.296 triệu đồng, IRR bằng 15,5%.

Phân tích độ nhạy

Các thông số đầu vào được thay đổi để xem xét biến động của giá trị NPV đối với từng dự án. Kết quả phân tích độ nhạy cho thấy:

Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân và dự án bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên sẽ không đạt hiệu quả nếu giá điện được tính theo giá thị trường.

Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân sẽ đạt hiệu quả nếu được trợ giá điện 5cent trong 8 năm đầu trở lên. Dự án bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên sẽ đạt hiệu quả nếu được trợ giá điện trong 3 năm đầu hoạt động trở lên.

Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân sẽ không đạt hiệu quả nếu giá nhôm thấp hơn 5% so với giá dự báo. Dự án bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên vẫn đạt hiệu quả cao với mức giá nhôm thấp hơn 16% so với giá dự báo, nhưng sẽ thua lỗ nếu giá nhôm thực tế xuống thấp hơn 17% so với giá dự báo trong suốt vòng đời dự án.

Kết luận

Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích đã đưa ra cái nhìn tổng thể và khách quan về hiệu quả của hoạt động điện phân nhôm ở nước ta thông qua dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân và dự án tổ hợp bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên giả định. Theo đó, các dự án điện phân nhôm chỉ đạt hiệu quả khi được trợ cấp giá điện. Kết quả nghiên cứu cho thấy dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân sẽ đạt hiệu quả nếu được trợ giá điện 5cent trong 8 năm đầu trở lên. Nếu triển khai dự án theo chuỗi sản phẩm bauxite - alumina - nhôm thì chỉ cần trợ giá điện trong 3 năm đầu hoạt động trở lên. Trong trường hợp được trợ cấp giá điện theo quy định của Nhà nước như hiện nay, các dự án điện phân nhôm đều cho giá trị NPV cao và đảm bảo hiệu quả kinh tế trước sự biến động của tỉ lệ chiết khấu r.

Điện phân nhôm tiêu tốn nhiều năng lượng điện - Ảnh 3
Việt Nam chỉ nên phát triển ngành công nghiệp luyện nhôm ở mức độ vừa phải nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước là chính, xuất khẩu là phụ. (Ảnh minh họa)

Hiệu quả của các dự án điện phân nhôm phụ thuộc vào ba yếu tố chính là giá điện, giá alumina và giá nhôm trên thị trường. Trong đó, giá điện và giá alumina chi phối chi phí sản xuất của doanh nghiệp, còn giá nhôm quyết định mức doanh thu hàng năm. Mô hình sản xuất theo chuỗi của tổ hợp bauxite – alumina – nhôm Tây Nguyên giả định cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần, biến động các chỉ số tính toán cũng cho thấy mức độ ổn định và an toàn hơn của hoạt động sản xuất so với việc chỉ điện phân nhôm riêng lẻ như mô hình của nhà máy Trần Hồng Quân. Điện phân nhôm theo mô hình của tổ hợp giả định là phương án tối ưu trong bối cảnh hiện nay để làm chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, giúp tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn thông qua việc giảm sự phụ thuộc vào giá điện và giá alumina trên thị trường.

Các dự án điện phân nhôm dù được tổ chức theo mô hình sản xuất nào thì khi đi vào hoạt động đều sẽ cải thiện hiệu quả của dự án bauxite - alumina Nhân Cơ thông qua việc tiết kiệm chi phí vận chuyển alumina ra cảng biển xuất khẩu.

Điện phân nhôm tiêu tốn nhiều năng lượng điện. Các nước sản xuất nhôm kim loại để xuất khẩu thực chất là xuất khẩu điện. Trong khi nhu cầu sử dụng nhôm kim loại của của nền kinh tế Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng 100.000-150.000 tấn/năm và nước ta đang trong thời kỳ thiếu điện, không đủ năng lượng điện để đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế nói chung, càng không thể cung cấp nhiều năng lượng cho điện phân nhôm. Vì vậy khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chỉ nên phát triển ngành công nghiệp luyện nhôm ở mức độ vừa phải nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước là chính, xuất khẩu là phụ.

Trịnh Phương Ngọc - NCS Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Cù Thị Sáng - Trường Đại học Điện lực Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Điện phân nhôm tiêu tốn nhiều năng lượng điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới