Chủ nhật, 24/11/2024 10:27 (GMT+7)
Thứ ba, 17/01/2023 20:41 (GMT+7)

Đưa “vàng trắng” vươn xa

Theo dõi KTMT trên

Nghề làm muối ở Sa Huỳnh – Quảng Ngãi bắt đầu từ 200 - 300 năm trước. Theo các tài liệu, người Pháp gọi muối Sa Huỳnh là “Vàng trắng” xứ An Nam.

Giờ đây, muối Sa Huỳnh đang tiếp tục được người con quê hương Quảng Ngãi phát triển khắp mọi miền đất nước với giá trị cao hơn gấp 50 lần giá muối nguyên liệu, tăng thu nhập cho người dân làm muối.

Chọn muối để khởi nghiệp

Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) là nơi cực Nam của tỉnh Quảng Ngãi, cũng là “thủ phủ” làm muối của khắp dải ven biển miền Trung. Muối Sa Huỳnh được xếp vào loại quy mô và nổi tiếng bậc nhất ở dải đất miền Trung. Thế nhưng hạt muối ở vùng đất này vẫn long đong, không có đầu ra ổn định. Làm thế nào để những thân phận tảo tần một nắng hai sương trên đồng muối sống được với nghề là câu hỏi trăn trở với nhiều người con xứ biển Sa Huỳnh.

Đưa “vàng trắng” vươn xa - Ảnh 1
Sa Huỳnh là “thủ phủ” làm muối của khắp dải ven biển miền Trung

Sinh ra và lớn lên ở xứ biển Sa Huỳnh, hiểu những vất vả, khó khăn của người diêm dân, cô gái trẻ Phạm Hồng Thắm đã quyết định trở về quê để theo đuổi ước mơ nâng tầm hạt muối quê hương sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Luật ở TP Hồ Chí Minh. Khởi nghiệp với thương hiệu muối SAHU viết tắt từ tên Sa Huỳnh, Thắm quyết tâm tạo dựng sản phẩm muối sạch với giá trị cao hơn.

Để có muối sạch đảm bảo chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ, Thắm cùng người thân tìm đến nhiều gia đình diêm dân để thuyết phục họ tuân thủ sản xuất theo một số yêu cầu như: nền đất của ruộng muối phải đầm chặt, kĩ lưỡng hơn để giảm thiểu tối đa tạp chất bám, dính theo; thời gian từ khi đưa nước vào ruộng phơi nắng tạo muối trung bình 4 ngày để hạt to, chắc... Bù lại Thắm sẽ mua với giá cao gấp từ 4-6 lần so với thị trường.

Ban đầu, cơ sở của Thắm chỉ sản xuất ra những sản phẩm đơn giản như: muối tinh, muối hầm. Tuy nhiên, đến nay xưởng của Thắm đã làm ra được nhiều sản phẩm có giá trị rất cao như: hoa muối có giá bán là 34.000/kg, gấp 17 lần giá muối nguyên liệu; muối ống tre, giá 100.000/kg, gấp 50 lần giá muối nguyên liệu…

Đưa “vàng trắng” vươn xa - Ảnh 2
Thương hiệu muối SAHU với nhiều sản phẩm muối có giá trị cao gấp 50 lần giá muối nguyên liệu

“Tôi phải đến từng nhà dân, ra từng ruộng muối để gặp diêm dân đặt hàng bà con sản xuất những hạt muối chất lượng nhất. Từ đó mới tạo ra những sản phẩm muối đầu tiên là muối tinh, muối hầm thì tôi chọn nung trong nồi đất sét để không bị nhiễm kim loại nặng và giữ được mùi hương và độ an toàn của muối. Tuy nhiên, cũng phải qua những mẻ muối hư lên hư xuống mới ra được sản phẩm như mong muốn”, Thắm cho hay.

Trả lại công bằng cho “vàng trắng”

Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm cơ sở chế biến muối của chị Thắm đã tiêu thụ cho diêm dân Sa Huỳnh 200 tấn muối. Ông Nguyễn Văn Hùng diêm dân Tổ dân phố Tân Diêm, phường Phổ Thạnh cho biết, bình quân mỗi năm ông bán cho cơ sở sản xuất muối SAHU khoảng 2 tấn hoa muối, giá 20 ngàn đồng/ kí. Hoa muối không chạm đất nên rất sạch, có vị mặn dịu và nhạt nhất nhưng vẫn giữ nguyên khoáng chất có trong muối biển. Đây là thứ gia vị hảo hạng rất được ưa chuộng bởi nhiều đầu bếp nổi tiếng trên thế giới.

Đưa “vàng trắng” vươn xa - Ảnh 3
Phạm Hồng Thắm đang chia sẻ về muối SAHU

Còn bà Ngô Thị Vinh, phường Phổ Thạnh cho biết, nhiều năm nay giá muối rất rẻ, có lúc chỉ 500 đồng/kg. Tuy nhiên, khi bán muối cho Thắm thì giá thành lại cao hơn giá thị trường khoảng 3-5 lần. Ngoài ra, riêng muối bọt bán cho Thắm đã đem lại cho gia đình tôi vài chục triệu đồng trên năm.

“Trước đây nghề làm muối ở Sa Huỳnh có nhiều thăng trầm với nhiều lý do khác nhau. Nên có một dạo làng muối Sa Huỳnh được ví von là “làng muối đắng”, bởi công sức mà diêm dân bỏ ra cho đồng muối trở nên uổng phí, cuộc sống nhọc nhằn. Mặt khác, do giá thành muối không ổn định, và muối Sa Huỳnh vẫn chưa có thương hiệu nên gây nhiều khó khăn cho diêm dân. Giờ bà con diêm dân đã có đầu ra ổn định khi bán muối cho Thắm”, bà Vinh chia sẻ thêm.

Qua 7 năm nỗ lực, một phần ước mơ của cô tân sinh viên ngày nào đã trở thành hiện thực khi hạt muối Sa Huỳnh với thương hiệu muối SAHU đã được khách hàng trong cả nước biết đến và tin dùng.

Tuy nhiên, điều mà diêm dân ở làng muối Sa Huỳnh lo lắng là ô nhiễm môi trường và quá trình đô thị hóa bùng nổ đang ảnh hưởng đến vùng biển làm muối nhất là từ khi huyện Đức Phổ chính thức trở thành thị xã. Những cánh đồng muối được nhường cho đất dự án. Người dân lo ngại, khi khu dân cư hình thành sẽ chắn gió, muối khó mà kết tinh thành hạt. Nước thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của đồng muối.

“Một giải pháp bền vững phải được xác định để cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn muối, có như vậy nghề truyền thống ta mới có thể tồn tại lâu dài và người nông dân có thể kiếm sống tốt từ những cánh đồng muối”- Thắm tin tưởng.

Dưới thời nhà Nguyễn, Sa Huỳnh là vị trí quan trọng để canh phòng mặt biển và cũng kể từ đó nghề muối Sa Huỳnh hình thành. Muối Sa Huỳnh thời chúa Nguyễn không chỉ cung cấp cho người dân Trung Trung Bộ mà còn vượt qua đèo An Khê, lên vùng Tây Nguyên phục vụ đồng bào các dân tộc miền Thượng.

Võ Hà

Bạn đang đọc bài viết Đưa “vàng trắng” vươn xa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới