Chủ nhật, 24/11/2024 08:00 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/10/2022 05:00 (GMT+7)

Hòa Bình hướng tới phát triển bền vững cây mía, xuất khẩu ra thị trường thế giới

Theo dõi KTMT trên

Nhằm nâng cao giá trị lợi nhuận của cây mía, tỉnh Hoà Bình đã có nhiều các giải pháp đưa cây mía ăn tươi xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trên thế giới.

Đến hết năm 2021, tổng diện tích mía toàn tỉnh là 7.130ha, năng suất bình quân 72 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 513.185 tấn. Trong đó, mía ăn tươi đạt 6.053ha (chiếm khoảng 85% diện tích), sản lượng ước đạt trên 430 nghìn tấn. Từ năm 2015 đến nay, diện tích mía ăn tươi hàng năm ở đây phát triển khá ổn định, đúng quy hoạch, đạt từ 6.000-6.500ha. Hiện, Hòa Bình có 2 loại mía tím và mía trắng, hai giống này rất ít ở các tỉnh, thành phía Bắc khác. Do vậy, việc phát triển những vùng sản xuất tập trung 2 giống mía này trở thành lợi thế của tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình hướng tới phát triển bền vững cây mía, xuất khẩu ra thị trường thế giới - Ảnh 1
Hòa Bình hướng tới phát triển bền vững cây mía, xuất khẩu ra thị trường thế giới. (Ảnh minh họa: Internet)

Đến nay, Hòa Bình đã hình thành một số vùng sản xuất mía ăn tươi chủ lực, có chất lượng tốt, có thương hiệu như: Vùng trồng mía ở xã Tây Phong, Nam Phong, Dũng Phong, Thu Phong, Thạch Yên (huyện Cao Phong); Vùng trồng mía các xã Phong Phú, Mỹ Hòa, Trung Hòa, Phú Vinh (huyện Tân Lạc); Vùng trồng mía các xã: Ân Nghĩa, Tân Mỹ, Yên Nghiệp (huyện Lạc Sơn)…

Hằng năm giá mía thương phẩm khá ổn định và ở mức cao, thu nhập bình quân từ 200 đến 250 triệu đồng/ha. Năm 2021-2022, tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu 87 tấn mía trắng sang thị trường EU, Hàn Quốc. Từ nay đến hết năm 2022 tỉnh tiếp tục xuất khẩu thêm khoảng 300 tấn mía.

Phát triển bền vững vùng nguyên liệu

Theo ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA (Hải Dương), đơn vị liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại Tiến Ngân (thành phố Hòa Bình) xuất khẩu mía cấp đông sang thị trường EU cho biết: Để có thể xuất khẩu sang thị trường các nước Đức, Hà Lan thì sản phẩm mía của Hòa Bình cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Chất lượng mía phải đồng đều và việc chăm sóc mía của nông dân phải đạt quy chuẩn.

Cùng với đó, sản phẩm mía trắng của Hòa Bình trên thị trường chưa có thương hiệu, vì thế phải xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mía trắng và đặc biệt phải có diện tích kho lạnh bảo đảm đủ để dự trữ nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

Trong buổi làm việc bàn về giải pháp phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía ăn tươi phục vụ chế biến, xuất khẩu mới đây, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá, sản phẩm mía tím ăn tươi có giá trị kinh tế, nếu được định hướng tổ chức sản xuất tốt sẽ mang tại thu nhập cao. Vì vậy thời gian tới, cần thúc đẩy việc liên kết chuỗi, thành lập các HTX sản xuất và tiêu thụ mía; đẩy mạnh việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, VietGAP, OCOP, an toàn thực phẩm

Lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020-2025 để thực hiện có hiệu quả phát triển vùng nguyên liệu mía ăn tươi. Ông Sứ giao nhiệm vụ cho các sở, ngành giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các hợp tác xã (HTX) doanh nghiệp… Giao Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu cơ cấu vùng trồng, ổn định diện tích, sản lượng, cân đối sản xuất giữa 2 giống mía để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các huyện xem xét quy trình sản xuất, cải tạo chất lượng mía giống. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước. Giao Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể mía tím Hòa Bình; sử dụng có hiệu quả các nhãn hiệu đã được xác lập, đẩy nhanh tiến độ đề tài nuôi cấy mô đối với sản phẩm mía trắng; chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu đưa ra thực tế sản xuất…

Giao Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở cơ sở chế biến, xúc tiến thương mại. Sở Công thương chủ trì, tăng cường công tác quảng bá, xây dựng kênh thị trường trong và ngoài nước thông qua phương thức hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hỗ trợ các địa phương sản xuất sản phẩm mía ăn tươi và thành lập các HTX. Đối với 5 huyện chủ lực tổ chức phát triển vùng nguyên liệu mía, trồng theo định hướng, quy hoạch, tránh ồ ạt.

Mục tiêu trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình trong các năm tới là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao của tỉnh, trong đó có sản phẩm mía. Tuy nhiên, để có vùng nguyên liệu mía ăn tươi bền vững cung cấp cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh đòi hỏi ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình phải có một lộ trình bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật cao từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch chế biến sản phẩm từ cây mía đáp ứng được các quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường quốc tế.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình hướng tới phát triển bền vững cây mía, xuất khẩu ra thị trường thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới