Chủ nhật, 24/11/2024 04:39 (GMT+7)
Thứ tư, 07/12/2022 17:10 (GMT+7)

Nỗ lực trồng rừng vì sự phát triển nền kinh tế lâm nghiệp bền vững

Theo dõi KTMT trên

Phát triển lâm nghiệp bền vững sẽ dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, giá trị đa dụng của rừng, trên nguyên tắc không đánh đổi sự tăng trưởng bằng sự hủy hoại, suy thoái rừng, dẫn đến sự mất cân bằng, ổn định trong thế giới tự nhiên.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, rừng là nơi che chở và là nguồn sống cho toàn nhân loại, là ngôi nhà thiên nhiên của con người và mọi giống loài, đồng thời là không gian bảo tồn tự nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc, là nơi thưởng thức, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.

Từ đầu năm đến nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chuẩn bị cây giống để trồng rừng theo kế hoạch. Đến nay, cả nước chuẩn bị được gần 1,19 tỷ cây giống, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước; trồng rừng đạt 260.600 ha, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 17,6 triệu mét khối, tăng 6,6%.

Nỗ lực trồng rừng vì sự phát triển nền kinh tế lâm nghiệp bền vững - Ảnh 1
Đảm bảo cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững đã và đang là nhiệm vụ rất cấp thiết hiện nay.

Trong giai đoạn này, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chắc chắn chúng ta sẽ còn rất nhiều việc phải quan tâm và cùng hành động.

“Đảm bảo cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững đã và đang là nhiệm vụ rất cấp thiết hiện nay và cũng chưa bao giờ dễ dàng. Thay vì tư duy quản lý truyền thống, chúng ta cần thay đổi, hướng đến tư duy quản trị, một cách tiếp cận hài hòa, đồng bộ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Do đó, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng, trên nguyên tắc không đánh đổi sự tăng trưởng bằng sự hủy hoại rừng, mất rừng, suy thoái rừng, mất đi tính đa dạng sinh học, dẫn đến sự mất cân bằng, ổn định trong thế giới tự nhiên.

Để việc trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp trong suốt quá trình thực hiện trồng rừng phòng hộ từ khâu quy hoạch đến công tác trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ; thường xuyên trao đổi thông tin liên quan với cơ quan chức năng để phối hợp, kịp thời vào cuộc khi xảy ra trường hợp xâm phạm diện tích rừng, tranh chấp đất rừng; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương trồng rừng phòng hộ; ưu tiên lựa chọn giống cây bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, đáp ứng mục tiêu của rừng phòng hộ sau khi thành rừng.

Trước đó, ngày 27/7/2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2860/QĐ-BNN-TCLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021. Theo đó, tính đến hết ngày 31/12/2021, hiện trạng rừng toàn quốc có diện tích 14.745.201 ha trong đó rừng tự nhiên 10.171.757 ha và rừng trồng 4.573.444 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ toàn quốc là 13.923.108 ha, độ che phủ là 42,02%.

Trong năm 2021, với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây rất nhiều cản trở cho công tác chỉ đạo, sản xuất, kinh doanh của toàn ngành Lâm nghiệp. Tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp đã nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng. Điều này có thể thấy qua việc, cả năm 2021, diện tích trồng rừng đạt 277.830 ha, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ. Trồng cây phân tán đạt 98,96 triệu cây, đạt 108,5% so với kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01%, tương ứng tăng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, so với các năm trước, đây là con số có thể thấy tăng về trữ lượng rừng không lớn, nhưng con số này năm 2021 rất có ý nghĩa do toàn ngành đang tiến tới nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Thứ hai là cơ cấu các loại rừng, gồm: rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất sẽ bố trí phù hợp hơn. Bên cạnh đó, với 3.300 ha rừng được tăng trong năm 2021 là hầu như tăng về rừng đặc dụng và phòng hộ là chủ yếu.

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2021 cũng là năm ghi nhận thu dịch vụ môi trường rừng lần đầu tiên đạt con số kỷ lục với 3.115 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch thu năm 2021 và tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, Quỹ Trung ương thu 1.922 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm 2021 và bằng 121% cùng kỳ 2020; Quỹ tỉnh thu 1.193 tỷ đồng đạt 116% kế hoạch năm 2021 và bằng 134% cùng kỳ. Đây là nguồn thu rất quan trọng, góp phần rất lớn để phục vụ cho công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để nâng cao trữ lượng rừng của Việt Nam, qua đó nâng cao khả năng hấp thụ CO2, chúng ta cần phải từng bước cải tạo, nâng cao sự đa dạng của các cánh rừng tự nhiên tại Việt Nam. Nếu như trước đây chúng ta thường chỉ ưu tiên chọn lựa một loại cây giống nhất định thì nay chúng ta cần chọn nhiều loại giống cây đặc trưng, phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu của từng vùng miền.

Ngoài việc phát triển, nâng cao trữ lượng của các các diện tích rừng nghèo kiệt, trung bình thì chúng ta cũng cần bảo tồn sự đa dạng của các diện tích rừng giàu, chỉ có như thế chúng ta mới nâng cao được trữ lượng rừng của Việt Nam nâng cao khả năng hấp thụ CO2. Qua đó góp phần thực hiện thành công các cam kết của Việt Nam về giảm tác động của khí thải nhà kính tại COP26.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực trồng rừng vì sự phát triển nền kinh tế lâm nghiệp bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới