Việt Nam - Italia phối hợp triển khai giám sát môi trường bằng công nghệ viễn thám
Dự án sẽ thực hiện 3 dự án thử nghiệm: Quan trắc sụt lún khu vực TP.HCM; Đánh giá xâm nhập mặn vùng ĐBSCL và Giám sát hệ thống sinh thái đất ngập nước ở khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng.
Thời gian tới, Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường, Đất đai và Biển Italia (IMELS) sẽ phối hợp cùng thực hiện Dự án “Thiết lập và triển khai Hệ thống thông tin địa lý về Tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, Đánh giá rủi ro và Giám sát môi trường cho Việt Nam dựa trên Công nghệ viễn thám”. Dự án được kỳ vọng giúp Việt Nam dần dần chủ động hơn về nguồn tư liệu ảnh viễn thám phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ TN&MT), Italia đã làm chủ công nghệ và nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành hệ thống ứng dụng viễn thám để đánh giá và giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng cả ảnh vệ tinh quang học và Radar và hiện đang là nước sở hữu hệ thống thu nhận dữ liệu viễn thám CosmoSkymed (bao gồm cả vệ tinh và trạm thu mặt đất). Đặc biệt, Italia là quốc gia hàng đầu thuộc Liên minh Châu Âu có nền khoa học công nghệ vũ trụ phát triển, trong đó, có các hệ thống viễn thám với nhiều đặc tính ưu việt, đặc biệt, trong giám sát tài nguyên và môi trường.
Cho đến nay, Italia đã đạt đến trình độ rất cao, bao gồm cả việc thiết kế, chế tạo các loại vệ tinh, hệ thống phóng vệ tinh và các trạm dò tìm, thu nhận và xử lý dữ liệu ảnh từ vệ tinh. Tiêu biểu có thể kể đến chùm 4 vệ tinh viễn thám COSMO-Skymed để quan sát trái đất. Italia đã làm chủ công nghệ và nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành hệ thống ứng dụng viễn thám để đánh giá và giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng cả ảnh vệ tinh quang học và Radar.
Vì vậy, Italia trợ giúp Việt Nam thiết lập và triển khai Hệ thống thông tin địa lý về Tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, Đánh giá rủi ro và Giám sát môi trường dựa trên Công nghệ viễn thám là rất phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam về theo dõi, giám sát tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh thiên tai.
Theo mục tiêu, Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Italia, cung cấp thêm nguồn dữ liệu vệ tinh phục vụ quy hoạch phát triển và quản lý thiên tai, đồng thời đào tạo nhân lực cho Việt Nam về kỹ năng và kiến thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ viễn thám.
Với tổng mức đầu tư dự án là 3,634 triệu EUR, Dự án được ước tính sẽ hoàn thành trong khoảng 36 tháng kể từ ngày được phê duyệt, bao gồm: Giai đoạn 1 (36 tháng) triển khai, lắp đặt thiết bị đưa vào sử dụng và Giai đoạn 2 (24 tháng) thực hiện các dự án thí điểm.
Theo Kế hoạch, Dự án sẽ thực hiện 3 dự án thử nghiệm: Quan trắc sụt lún khu vực TP.HCM; Đánh giá xâm nhập mặn vùng ĐBSCL và giám sát hệ thống sinh thái đất ngập nước ở khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, Việt Nam. Hiện, Dự án đang được trình xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để đi vào triển khai thực hiện.
Theo dự báo, Việt Nam sẽ là một trong những nước bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, trong đó, có hiện tượng nước biển dâng, nhiễm mặn. Mặt khác, trong những năm qua Việt Nam thường xuyên chịu tác động xấu do các tai biến thiên nhiên gây ra như xói lở bờ biển, bờ sông, nước dâng, ngập lụt, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, biến động các hệ sinh thái... Vì vậy, nhu cầu sử dụng thông tin vệ tinh viễn thám trong nghiên cứu, quản lý tổng hợp lãnh thổ và lãnh hải ngày càng cao.
Từ tháng 9/2013, vệ tinh đầu tiên của Việt Nam là VNREDSat-1 bắt đầu cung cấp ảnh quang học. Tuy nhiên, do độ rộng dải quét nhỏ (17,5 km x17,5 km) với độ phân giải không gian 2,5 m nên gặp nhiều khó khăn khi chụp ảnh phủ trùm trên diện rộng với chất lượng ảnh theo yêu cầu. Trên thực tế, năng lực cung cấp ảnh hiện tại của vệ tinh VNREDSat-1 mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu sử dụng.
Mặt khác, VNREDSat-1 là vệ tinh quang học, khả năng sử dụng bị ảnh hưởng lớn bởi mây và mưa, nên trong nhiều hoạt động giám sát thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất do mưa lớn, hoặc hoạt động giám sát trên biển chưa hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu về dữ liệu vệ tinh viễn thám là rất lớn, đặc biệt trong việc hỗ trợ đánh giá và giám sát biến đổi môi trường và khí hậu cũng như hỗ trợ quản lý các đối tượng tự nhiên hoặc nhân tạo khác nhau.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải phát triển một hệ thống có thể trực tiếp thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh vệ tinh, đặc biệt là ảnh Radar, cũng như tích hợp và ứng dụng các dữ liệu viễn thám này trong các hoạt động giám sát và phòng chống thiên tai như lũ lụt và sạt lở đất; sự cố môi trường như tràn dầu, vỡ đập; quan trắc sụt lún đất, nhất là ở các đô thị; giám sát trạng thái của các đối tượng giao thông; hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp (trồng rừng, trồng lúa, giám sát tàu thuyền để kiểm soát đánh bắt trái phép) và đặc biệt là đối với quốc phòng và an ninh.
Việt Khang