Chủ nhật, 24/11/2024 08:49 (GMT+7)
Thứ tư, 10/02/2021 06:30 (GMT+7)

Tiềm năng đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam (Kỳ 1)

Theo dõi KTMT trên

Với vị trí địa lý đặc thù, Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới.

Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển). Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có diện tích không gian biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2).

Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, được phân bố khá đều theo chiều dài của bờ biển đất nước. Do vậy, hệ sinh thái (HST) biển Việt Nam cũng vô cùng đa dạng và phong phú với những giá trị kinh tế to lớn, tiềm năng đa dạng sinh học cao và có đủ các loại dịch vụ HST biển tạo cơ sở nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội hiện tại và tương lai.

Tiềm năng đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 1
Biển Việt Nam được đánh giá là có các khu hệ sinh vật phong phú và cảnh quan sinh thái đa dạng. (Ảnh minh họa)

Tiềm năng đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển tại Việt Nam

Biển Việt Nam được đánh giá là có các khu hệ sinh vật phong phú và cảnh quan sinh thái đa dạng. Các loài, nhóm sinh vật biển chủ yếu như: Cá, giáp xác, thân mềm, rong biển,... đều vượt trội hoặc tương đương các vùng biển kế cận. Vùng biển Việt Nam có đủ các hệ sinh thái biển nhiệt đới tiêu biểu: Vùng triều cửa sông, rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, đầm phá ven biển, các đảo ven bờ và vùng khơi.

Theo Báo cáo Hiện trạng Đa dạng sinh học Biển năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phần loài sinh vật biển Việt Nam cơ bản mang đặc tính sinh vật nhiệt đới. Tuy nhiên, do tính chất khí hậu mùa đông lạnh ở vùng biển phía Bắc Việt Nam, trong thành phần loài ở tất cả các nhóm động vật cũng như thực vật đều thấy cả các loài cận nhiệt đới có phân bố từ vùng biển cận nhiệt đới Trung Quốc, nam Nhật Bản tới biển Bắc Việt Nam. Có thể coi vịnh Bắc Bộ như giới hạn phân bố thấp nhất của các loài ôn đới và cận nhiệt đới di chuyển từ phía Bắc xuống, mặt khác cũng là giới hạn cao nhất của các loài nhiệt đới điển hình di chuyển từ phía Nam lên. Ngoài ra, trong thành phần loài sinh vật biển Việt Nam còn có các loài có phân bố toàn cầu.

Trong khu hệ động vật, thực vật biển Việt Nam có thể thấy hai yếu tố địa sinh vật cơ bản: Yếu tố Trung Hoa - Nhật Bản và yếu tố Ấn Độ - Malaysia. Ngoài ra cũng còn có các yếu tố khác, như yếu tố Cận Cực (boreal), yếu tố Địa Trung Hải, tuy không nhiều. Từ đó có thể thấy cấu trúc địa sinh vật của sinh vật biển Việt Nam không thuần nhất, mang tính chất hỗn hợp, đặc biệt rõ ở vùng biển phía Bắc Việt Nam.

Nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, các HST biển Việt Nam rất đa dạng và cơ bản mang tính chất nhiệt đới. Trên dải ven biển, có thể gặp các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình như vùng triều cửa sông có hoặc không có rừng ngập mặn, các rạn san hô, các đầm phá, vũng vịnh ven biển, các đảo ven biển, vùng cát ven biển. Ngoài khơi có thể gặp các hệ sinh thái đảo san hô điển hình như ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đặc tính phân bố địa lý các kiểu hệ sinh thái này có liên quan tới đặc trưng thủy văn, địa chất, khí hậu của các vùng địa lý tự nhiên biển. Vùng biển phía Bắc đặc trưng bởi các vùng triều cửa sông với các bãi bồi rộng lớn hàng năm tiến ra biển có khi tới hàng trăm mét. Vùng biển miền Trung đặc trưng bởi các HST đầm phá, vũng vịnh ven biển, vùng cát ven biển, các đảo san hô vùng khơi. Vùng biển phía Nam - với khí hậu nhiệt đới điển hình, đặc trưng bởi các HST rừng ngập mặn rất phát triển trên các bãi bồi cửa sông. Các HST đảo ven bờ cũng gặp nhiều ở vùng biển phía Bắc và phía Nam, với các đảo lớn có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng quan trọng.

Việt Nam có khoảng 20 HST biển và ven bờ phân bố trên 1 triệu km2 diện tích ở Biển Đông cùng với đó là các dịch vụ HST kèm theo, với tiềm năng này đảm bảo cung cấp đầu vào và không gian đủ để phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Đặc biệt các hoạt động kinh tế biển có sự gắn kết chặt chẽ với việc khai thác và sử dụng các dịch vụ HST.

Tiềm năng đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 2
(Nguồn: MEA, 2005)

Theo định nghĩa trong báo cáo đánh giá HST thiên niên kỷ (MEA, 2005) các dịch vụ HST là “những lợi ích con người đạt được từ các HST bao gồm dịch vụ cung cấp như thức ăn và nước, các dịch vụ điều tiết như lũ lụt, hạn hán, các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu trình dinh dưỡng và các dịch vụ văn hóa như giải trí, tinh thần, tín ngưỡng và các lợi ích phi vật chất khác”.

Theo đó, dịch vụ HST bao gồm bốn loại hình: (i) Nhóm các dịch vụ cung cấp là các sản phẩm con người thu được từ các HST như lương thực, nhiên liệu, sợi, nước ngọt và nguồn gen; (ii) Nhóm các dịch vụ điều tiết là lợi ích mà con người thu được từ hoạt động điều tiết của hệ sinh thái bao gồm duy trì chất lượng không khí, điều tiết khí hậu, chắn sóng, kiểm soát xói lở, lọc nước, hạn chế dịch bệnh,... (iii) Dịch vụ văn hóa là những lợi ích phi vật chất mà con người thu được thông qua sự làm giàu về tinh thần, phát triển nhận thức, suy nghĩ, sáng tạo và trải nghiệm về mĩ học; (iv) Dịch vụ hỗ trợ là những dạng dịch vụ cung cấp những hoạt động cần thiết cho tất cả các loại dịch vụ khác ví dụ như sản xuất oxy và bồi tụ.

(Còn nữa)

PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh,TS.Lại Văn Mạnh,ThS.Nguyễn Thế Thông

Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Tiềm năng đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái biển Việt Nam (Kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới