Chủ nhật, 24/11/2024 09:35 (GMT+7)
Thứ năm, 06/01/2022 13:00 (GMT+7)

Để Việt Nam tận dụng tốt hơn tài nguyên rác

Theo dõi KTMT trên

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam. Nghiên cứu của IFC và Ngân hàng Thế giới đã đề xuất 8 giải pháp và 29 hành động để Việt Nam giải phóng thêm giá trị vật liệu thông qua tái chế nhựa.

Tỉ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam

Theo báo cáo "Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa" do IFC và Ngân hàng Thế giới vừa công bố, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ mỗi năm tại Việt Nam. Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR).

Nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam, như: thiếu nhu cầu bền vững đối với nhựa tái chế tại địa phương; khả năng tiếp cận tài chính của đơn vị tái chế, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, tỉ lệ tái chế nhựa thấp còn do nguồn cung không đều và có rủi ro từ khu vực phi chính thức; phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phế liệu nhựa; Không có tiêu chuẩn thiết kế để tái chế nên hệ thống quản lý chất thải ưu tiên cho thu gom và xử lý chôn lấp, đốt hơn so với tái chế.

Nghiên cứu của IFC và Ngân hàng Thế giới đã sử dụng phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị nhựa để xác định cách thức các loại nhựa phổ biến được sản xuất, sử dụng, quản lý ở Việt Nam và khuyến khích tăng cường phân loại, thu gom, tái chế rác thải để tận dụng hết giá trị của vật liệu nhựa.

Các nhà chuyên môn cho rằng kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Để Việt Nam tận dụng tốt hơn tài nguyên rác - Ảnh 1
Việt Nam với tỷ lệ tái chế nhựa thấp hơn nhiều quốc gia khác. (Ảnh minh họa)

Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào - Kyle Kelhofer- khẳng định nền kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam để đạt được các mục tiêu tăng trưởng carbon thấp. Tái chế nhựa không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm các nguồn nguyên vật liệu có giá trị.

Nghiên cứu của IFC và Ngân hàng Thế giới cũng đã đề xuất 8 giải pháp và 29 hành động để Việt Nam giải phóng thêm giá trị vật liệu thông qua tái chế nhựa. Một số khuyến nghị đáng chú ý: Mở rộng quy mô ngành công nghiệp tái chế nội địa bằng cách cải thiện môi trường thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân; Tăng cường năng lực quản lý rác thải; Thiết lập "mục tiêu về hàm lượng tái chế" đối với các sản phẩm phổ biến đến tay người sử dụng; Yêu cầu bắt buộc phải thực hiện các tiêu chuẩn "thiết kế để tái chế" đối với các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với bao bì...

Đại diện Công ty Unilever Việt Nam cho biết, đơn vị này đang hợp tác cùng Công ty VietCycle Corporation và Công ty Nhựa Duy Tân tiên phong khởi xướng, thực hiện chương trình "Hồi sinh rác thải nhựa" với mục tiêu kép: Bảo vệ môi trường thông qua thúc đẩy mô hình "Kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa" và thực hiện cam kết phát triển bền vững. Chương trình bước đầu được triển khai tại TP.Hà Nội với 3 trụ cột: Xây dựng hệ thống thu gom, huấn luyện - truyền thông, chuyển giao tái chế.

Ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững và Đối ngoại Công ty Unilever Việt Nam, khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mô hình "Kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa" chính là thu gom phân loại tại nguồn, xử lý và đưa nhựa quay lại vòng tuần hoàn, phục vụ nền kinh tế.

Học tập kinh nghiệm thế giới

Phương pháp tái chế nhựa phế liệu là 1 trong những phương pháp tiết kiệm nguồn nhiên liệu nhựa thô hữu hiệu. Nhựa tái chế sẽ giúp tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với việc sản xuất vật liệu nhựa mới, nhờ giảm bớt được chi phí trong các hoạt động như khai thác, vận chuyển, tái chế…

Tái chế nhựa phế liệu hiện nay đang là phương pháp khá tốt và thân thiện với môi trường nhờ giúp tiết kiệm được hơn 75% năng lượng và chất thải mỏ quặng (mining wastes); Giúp  giảm 97%, tiết kiệm tới 90% các nguồn nguyên nguyên liệu thô (raw materials) được sử dụng, tiết kiệm việc sử dụng nước được 40%,…

Để Việt Nam tận dụng tốt hơn tài nguyên rác - Ảnh 2
Xu hướng kêu gọi bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa tại nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa)

Trong xu hướng kêu gọi bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa, nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển… đã áp dụng mô hình tái chế rác thải và thành công trong việc tạo ra vật liệu tái sinh.

Những mô hình tái chế này được nhiều chuyên gia môi trường quốc tế đánh giá là đáng học hỏi và nên áp dụng để đẩy lùi nạn rác thải nhựa và bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Lượng rác nhựa thải ra mỗi năm ở Mỹ, Nhật Bản… cao hơn nhiều so với năng lực của các cơ sở xử lý rác tại đây. Do đó, các nước này phải xuất khẩu rác thải nhựa sang nhiều nước đang phát triển: Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan... để tái chế. Theo The Guardian, mỗi năm Mỹ xuất khoảng 1 triệu tấn rác thải nhựa đến các nước đang phát triển.

Nhật Bản là một trong những nước tiêu thụ đồ nhựa bình quân đầu người đứng hàng đầu thế giới; Mỗi năm nước này xuất khẩu từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn rác thải nhựa sang các nước khác để tái chế. Từ khi Trung Quốc cấm nhập rác thải nhựa, vào năm 2017, Nhật Bản chuyển hướng xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước Đông Nam Á: Malaysia, Thái Lan… Tương tự, Anh cũng xuất khẩu lượng lớn rác thải nhựa sang Đông Nam Á.

Riêng Úc, Chính phủ nước này tăng cường hoạt động tái chế trong nước, vừa giúp xử lý vấn đề bảo vệ môi trường vừa tạo thêm việc làm cho người dân. Tái chế rác thải nhựa có thể tạo ra các loại bao bì mới, đồ nội thất, nguyên liệu sử dụng cho ngành giao thông đường sắt và nhựa rải đường.

Nguyễn linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Để Việt Nam tận dụng tốt hơn tài nguyên rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới