Chủ nhật, 24/11/2024 07:02 (GMT+7)
Thứ năm, 20/01/2022 10:00 (GMT+7)

Nuôi giun để chống biến đổi khí hậu?

Theo dõi KTMT trên

Tổ chức UWC (Anh) đề xuất giảm thiểu rác thải bằng cách nuôi giun. Giun có thể tạo ra phân bón hữu cơ và cứu hành tinh khỏi biến đổi khí hậu. Ở Vương quốc Anh, phong trào nuôi giun đô thị là điều cần thiết cho an ninh lương thực.

Nuôi giun đô thị là điều cần thiết cho an ninh lương thực 

Theo các chuyên gia, loài giun là “vô đối” về khả năng tái chế chất thải. Phân thu được từ loài động vật không xương sống này có thể dùng để bón cho cây trồng.

Anna de la Vega, Giám đốc điều hành của UWC cho biết: “Sử dụng giun để quản lý rác thải sinh hoạt hữu cơ đang diễn ra trên quy mô toàn thế giới, ngoại trừ ở Anh. Thực tế của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và đô thị hóa hàng loạt là những mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh lương thực toàn cầu cũng như sự tồn vong của nhân loại”.

Để nuôi giun, những người có nhu cầu cần bố trí hộp nuôi, trong xếp giấy ẩm hoặc quần áo cotton cũ. Đến nay đã có 26 trường học và 1 nhà tù tham gia vào dự án. Chương trình sẽ hoạt động trong 2 năm, sau đó các cơ quan chức năng sẽ đưa ra quyết định về việc có tài trợ thêm hay không.

Nuôi giun để chống biến đổi khí hậu? - Ảnh 1
Nuôi giun có thể tạo ra phân bón và cứu hành tinh khỏi biến đổi khí hậu. (Ảnh: Samuel Kirby)

Đối với các nhà quản lý chất thải tự nhiên và nhà sản xuất phân bón, giun là không thể so sánh được vì chúng có thể ăn tới một nửa trọng lượng cơ thể trong chất thải hữu cơ mỗi ngày và giảm 90% khối lượng chất thải đó trong vòng 2 đến 6 tháng.

De la Vega cho biết thêm: “Quá trình này đặc biệt có lợi cho môi trường đô thị với các hệ thống trong nhà quy mô nhỏ, công nghệ thấp và chi phí thấp. Với 83% dân số ở Vương quốc Anh sống ở các thành phố, phong trào nuôi giun đô thị là điều cần thiết cho an ninh lương thực trong tương lai và cung cấp các giải pháp dễ dàng cho rác thải nhà bếp”.

Trước đó, vào tháng 6/2021, công ty thực phẩm khổng lồ Cargill của Mỹ sẽ bắt đầu bán loại rọ mõm dành cho bò có khả năng thu khí metan từ hơi thở và ợ hơi của vật nuôi.

Theo Bloomberg, công nghệ mới này dự kiến sẽ được áp dụng đại trà trong ngành chăn nuôi và chế biến sữa của các nước châu Âu trong những năm tới như một biện pháp để cứu hành tinh khỏi tình trạng nóng lên toàn cầu.

Giun quế giúp tăng độ phì nhiêu cho đất

Tại Việt Nam, một cô giáo mầm non cũng sử dụng giun quế góp phần giảm thiểu rác thải hữu cơ, bảo vệ môi trường. Giun quế có sức tiêu hóa rất lớn, tác dụng phân giải rác hữu cơ của giun quế chỉ đứng sau các vi sinh vật.

Ngoài ra, giun quế sống trong đất còn giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, phân giun phế góp phần giảm bớt lượng phân hóa học, giúp cây cối phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh hại, giúp nông dân giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, giữ môi trường trong lành.

Nuôi giun để chống biến đổi khí hậu? - Ảnh 2
Thu hoạch sản phẩm giun quế và phân giun. (Ảnh: Kinh tế nông thôn)

Thời gian đầu thực hiện mô hình, chị Hằng tại Vĩnh Phúc cũng gặp không ít khó khăn về chi phí xây dựng, khi bắt tay vào nuôi giun, do chưa đảm bảo về kỹ thuật cho ăn nên số lượng giun chết nhiều hoặc do phân đầu vào cho giun ăn chưa xử lý đủ thời gian, quy trình nên dẫn tới giun bị đầy hơi, chuồng trại ban đầu chưa che chắn kỹ nên trời mưa giun bò ra ngoài hoặc bị cóc, chuột ăn…

Mỗi lần như vậy, chị Hằng lại rút ra được nhiều kinh nghiệm để tránh sai sót cho những lần sau và không ngừng học hỏi thêm các kỹ thuật của các trang trại khác. Theo chị Hằng, trước đây, mô hình nuôi giun quế chưa được biết đến nhiều, hầu hết các trang trại, gia trại không tránh được mùi hôi thối từ phân động vật, ruồi nhặng, gây ô nhiễm môi trường.

Với đặc tính ưa thích thức ăn là phân động vật, nên giun quế nhanh chóng “xử lý” hết thức ăn chỉ trong vòng 1 - 2 ngày. Toàn bộ phân động vật sau khi ngâm ủ cùng chế phẩm vi sinh được gia đình chị thu gom để nuôi giun quế, giúp khử mùi hôi, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Mô hình nuôi giun quế đặc biệt hiệu quả tại các trang trại chăn nuôi, các vùng có nhiều gia súc, gia cầm.

Để phát triển mô hình nuôi giun quế, chị Hằng đã tích cực tuyên truyền qua Zalo, Facebook cá nhân, đến các đại lý chuyên bán các sản phẩm nông nghiệp để giới thiệu sản phẩm, ép viên bán cho người trồng hoa lan, trồng rau, cây cảnh trên địa bàn tỉnh…

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nuôi giun để chống biến đổi khí hậu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới