Chủ nhật, 24/11/2024 10:06 (GMT+7)
Thứ ba, 09/11/2021 07:00 (GMT+7)

Thu nhận carbon dioxide để chuyển hóa thành nguồn nhiên liệu mới, liệu có thể?

Theo dõi KTMT trên

Nghiên cứu mới giúp sản xuất nhiên liệu từ ánh sáng mặt trời và không khí, thông qua việc thu nhận carbon dioxide và nước từ khí quyển sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mới đây, các kỹ sư tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) đã phát minh một hệ thống thí điểm có thể sản xuất nhiên liệu từ ánh sáng mặt trời và không khí. Thiết bị này thu nhận carbon dioxide và nước từ khí quyển. Tiếp theo, sử dụng năng lượng mặt trời để chuyển hợp chất thu được thành khí tổng hợp, sau đó được chuyển đổi thành nhiên liệu lỏng ở trạng thái carbon trung tính.

Với sự hiểu biết rõ ràng hơn về những hậu quả và thiệt hại do các hoạt động con người phát thải carbon dioxide, có rất nhiều giải pháp đang được thực hiện để chuyển đổi sang xe điện, năng lượng hydro, pin nhiên liệu và các dạng năng lượng bền vững khác. Tuy nhiên, những tiến bộ này sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn đối với cơ sở hạ tầng hiện có.

Thu nhận carbon dioxide để chuyển hóa thành nguồn nhiên liệu mới, liệu có thể? - Ảnh 1
Nhiên liệu mới được tạo ra thông qua quá trình khai thác nhiệt từ ánh sáng mặt trời tập trung để chuyển hóa carbon dioxide và nước thành khí tổng hợp. (Ảnh: ETH Zurich)

Trong khi đó, nhiên liệu tổng hợp có thể là một giải pháp tốt. Chúng được tạo ra để "bắt chước" các nhiên liệu hydrocacbon lỏng hiện tại, nhưng được sản xuất từ các nguồn có thể tái tạo, chẳng hạn như sinh khối, sản phẩm chất thải hoặc carbon đã có trong khí quyển. 

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại ETH Zurich đã phát triển và thử nghiệm một hệ thống mới có thể tạo ra những nhiên liệu mới bằng ánh sáng mặt trời và không khí. Nhiên liệu tạo thành ở trạng thái carbon trung tính, chỉ giải phóng nhiều carbon dioxide khi bị đốt cháy.

Hệ thống bao gồm thiết bị có chức năng thu nhận không khí trực tiếp, oxy hóa khử bằng năng lượng mặt trời và biến khí thành chất lỏng. Thiết bị đầu tiên hút không khí xung quanh và sử dụng sự hấp phụ để kéo carbon dioxide và nước ra khỏi nó. Sau đó, ở thiết bị thứ 2, năng lượng mặt trời được khai thác để kích hoạt các phản ứng hóa học.

Thiết bị cuối sẽ là lò phản ứng Mặt trời, tạo ra nhiệt độ 1.500 độ C. Bên trong lò phản ứng là một cấu trúc làm bằng xeri oxit, hấp thụ oxy từ carbon dioxide và nước đi vào. Từ đó, tạo ra hydro và carbon monoxide - khí tổng hợp. Khí tổng hợp có thể được thu thập để sử dụng. Hoặc, nó có thể được chuyển đổi thành nhiên liệu hydrocarbon lỏng như dầu hỏa hay metanol.

Để kiểm tra hiệu quả của phương pháp này, các nhà nghiên cứu đã thiết lập một hệ thống thí điểm nhỏ 5 kW trên mái của một tòa nhà. Theo đó, hệ thống chạy liên tục 7 giờ mỗi ngày dưới ánh sáng mặt trời và có thể sản xuất 32 ml metanol mỗi ngày.

Nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả đã chứng minh rằng, phương pháp này hiệu quả và có thể được mở rộng sang sản xuất thương mại. Nhóm nghiên cứu ước tính rằng một nhà máy sử dụng 10 cánh đồng năng lượng mặt trời, mỗi cánh đồng thu 100 MW điện bức xạ mặt trời, có thể sản xuất 95.000 lít dầu hỏa mỗi ngày. 

Để đáp ứng toàn bộ nhu cầu dầu hỏa trong ngành hàng không, nhóm nghiên cứu tính toán rằng sẽ cần khoảng 45.000 km2 các nhà máy năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, chi phí trả trước cao để thiết lập các nhà máy này sẽ làm cho các loại nhiên liệu có giá cao hơn nhiều so với nhiên liệu hóa thạch mà chúng đang thay thế.

Theo Liên Hợp Quốc, một quốc gia có nền kinh tế xanh là nơi tăng trưởng được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng từ đó góp phần giảm lượng khí thải carbon, chống ô nhiễm môi trường. Nền kinh tế xanh cũng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, đồng thời ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Mặc dù chống lại đại dịch Covid-19 hiện vẫn là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các chính phủ, nhưng các quốc gia vẫn luôn có sự chú trọng cần thiết cho các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và hướng tới một nền kinh tế “xanh”.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thu nhận carbon dioxide để chuyển hóa thành nguồn nhiên liệu mới, liệu có thể?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới